Nơi lao động nghề là người hùng của đất nước |
Đó là những chia sẻ của một đại diện phía Hàn Quốc về cách nhìn nhận tầm quan trọng của lao động nghề đối với sự phát triển nền kinh tế của đất nước trong hội thảo "Thúc đẩy phong trào và nâng cao chất lượng tổ chức tham dự kỳ thi kỹ năng nghề các cấp" diễn ra sáng ngày 6/10 tại Hà Nội.
Việt Nam: Huấn luyện còn thiếu chuyên nghiệp
Phát biểu khai mạc, ông Lê Văn Chương – Phó Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – cho rằng, kỳ thi tay nghề các cấp không hoàn toàn là chuyện phong trào, mà là để hướng tới phát triển kỹ năng nghề, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo ông Chương – một người gắn bó nhiều năm với các cuộc thi kỹ năng nghề, ngoài Hà Nội, TP.HCM và một số ít tỉnh thành, số lượng nghề dự thi của hầu hết các địa phương tham gia kỳ thi kỹ năng nghề vẫn rất ít. Khó khăn chung là vấn đề kinh phí, vì thế không còn cách nào khác là phải huy động nguồn lực xã hội hoá.
“Huy động doanh nghiệp tham gia không chỉ là vấn đề tài trợ, mà còn là vấn đề chuyên môn. Bởi vì mục đích cuối cùng mà chúng ta hướng tới vẫn là đào tạo đội ngũ lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp”.
Ông Chương nêu một số tồn tại khác trong công tác tổ chức các kỳ thi kỹ năng nghề: “Thể lực cũng là một vấn đề. Thí sinh của chúng ta có thể lực yếu so với các nước, chỉ làm đến ngày thứ 2 là mệt. Cùng với đó là tâm lý thi đấu. Trước các kỳ thi, các em đều chia sẻ là rất áp lực. Ngoài ra là các kỹ năng mềm, việc này các đoàn quốc tế làm rất tốt. Cuối cùng là trình độ ngoại ngữ của chúng ta còn yếu, nếu không có sự gắn kết của phiên dịch thì sẽ thất bại”.
Thí sinh tham dự các kỳ thi kỹ năng nghề cần phải được huấn luyện kỹ về thể lực và tâm lý. |
Nguyên nhân của những tồn tại này là do sự đầu tư, tổ chức và phương pháp huấn luyện, ông Chương chỉ ra.
“Kế hoạch huấn luyện của chúng ta còn hời hợt”. Vị Vụ phó kể một số câu chuyện minh chứng: Có lần đoàn của chúng ta cắm ổ điện một cái máy mà làm nổ cả hệ thống của ban tổ chức, hay như có lần thí sinh đi thi mà đi giày mềm, đến lúc phải nhét giấy vào mũi giày cho cứng…
Theo ông Chương, đó là minh chứng cho sự thiếu chuyên nghiệp và không theo chuẩn hoá.
Hàn Quốc: Quan sát 10 năm để chọn 1 thí sinh
Bàn về kinh nghiệm chuẩn bị và tổ chức kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, quốc tế, ông Ha Sang Jin – Trưởng Đại diện Văn phòng Cơ quan phát triển nguồn lực Hàn Quốc tại Việt Nam đã có những chia sẻ thiết thực.
Ông Ha cho biết, Hàn Quốc lần đầu tiên tham gia cuộc thi kỹ năng nghề thế giới là vào năm 1967.
“Vào thời điểm đó, các thí sinh tham gia là những vị anh hùng đối với sự phát triển của đất nước chúng tôi. Không phải chỉ những người tham gia cuộc thi tay nghề mới biết đến kỳ thi, mà toàn thể người dân Seoul lúc đó đã đổ ra đường để chào đón các thí sinh” – ông kể.
“Vì sao chúng tôi lại phải làm quá lên như vậy? Bởi vì, lúc đó Hàn Quốc rất nghèo và gần như không có sự đầu tư cho các cuộc thi tay nghề. Mà để một quốc gia phát triển, quốc gia ấy phải có những sản phẩm xuất khẩu. Khi muốn xuất khẩu sản phẩm, chất lượng của sản phẩm phải được biết đến trên thị trường thế giới. Chúng tôi muốn dựa vào cơ hội tham gia cuộc thi tay nghề để thế giới biết đến những lao động chất lượng cao của Hàn Quốc. Và khi đã có những lao động chất lượng cao sẽ có những sản phẩm chất lượng cao”.
“Về mặt đối nội, thông qua kỳ thi tay nghề thế giới, chúng tôi muốn tạo động lực cho người dân Hàn Quốc, rằng dù nghèo nhưng chúng tôi vẫn làm được những việc mà các quốc gia giàu có đang làm được”.
Ông Ha Sang Jin – Trưởng Đại diện Văn phòng Cơ quan phát triển nguồn lực Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về công tác tổ chức, tham dự các kỳ thi kỹ năng nghề trong và ngoài nước. |
Đương nhiên, trong suốt vài chục năm tổ chức các kỳ thi tay nghề trong nước và tham dự kỳ thi quốc tế, Hàn Quốc cũng từng vấp phải những khó khăn như Việt Nam, ông Ha cho hay.
“Các kỳ thi của chúng tôi cũng có những gian lận, thiếu công bằng, ví dụ như ở kỳ thi quốc gia, đồng hương thì sẽ chấm cao cho nhau hơn. Vì thế, chúng tôi đã đưa ra những giải pháp như chọn thành viên giám khảo ở các chuyên ngành không liên quan, lập hội đồng chấm độc lập. Tất nhiên, dù có biện pháp nào đi chăng nữa vẫn có thể có những tiêu cực xảy ra. Con người không thể hoàn hảo 100% được, nhưng chúng tôi luôn cố gắng hạn chế nhất những tiêu cực”.
Về vấn đề chọn thí sinh đi thi quốc tế, “đôi khi chúng tôi lựa chọn bằng cách trong suốt 10 năm quan sát 1 người để quyết định có lựa chọn hay không”.
Mặc dù khẳng định Hàn Quốc đang làm tốt trong các kỳ thi tay nghề nhưng ông Ha cho biết, các thí sinh của họ vẫn có tâm lý căng thẳng và thể lực vẫn yếu giống như thí sinh Việt Nam.
“Đó là lý do chúng tôi cũng nhìn vào thể lực để lựa chọn. Sau đó, chúng tôi đào tạo các thí sinh, có thể đưa vào quân đội 1 tháng để rèn luyện thể lực, hoặc đưa đi đào tạo tâm lý để không bị căng thẳng. Nếu trong quá trình đào tạo, thí sinh nào không đủ năng lực sẽ bị loại khỏi đội tuyển”.
Ngôn ngữ cũng là trở ngại của các chuyên gia và thí sinh Hàn Quốc. Vì thế, nước này đưa giải pháp: chọn phiên dịch ngay khi chọn thí sinh. Đặc biệt, các phiên dịch viên cũng phải tham gia huấn luyện để nắm rõ các khái niệm chuyên môn trong từng hoàn cảnh, đồng thời giảm thiểu lỗi khi phiên dịch.
“Để rèn tâm lý cho thí sinh, chúng tôi tạo bầu không khí giống hệt như kỳ thi tay nghề thế giới, ví dụ như một không gian có rất đông người”.
Chia sẻ về kinh nghiệm “lôi kéo” các doanh nghiệp tham gia, ông Ha cho rằng: “Mời doanh nghiệp về tất nhiên là không dễ dàng. Họ phải có lợi ích gì khi tham gia. Ví dụ như Nhà nước phải có chính sách như thế nào để người dân sẽ biết đến và sử dụng sản phẩm của một doanh nghiệp tham gia phát triển kỹ năng nghề” – ông Ha gợi ý.
'Kỹ năng nghề sẽ là tiền tệ quốc tế trong thế kỷ 21'
Đó là khẳng định của một đại biểu tại buổi đối thoại về hướng nghiệp dựa vào kỹ năng trong thời kỳ mới diễn ra tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội chiều ngày 5/10.
Linh Chi