“Tình ngay lý gian…”
Trời về chiều, mưa mỗi lúc nặng hạt hơn. Ông Trần Văn Phúc (SN 1959, Quận 4, TP.HCM) vẫn ngồi ở vệ đường. Ông chưa muốn trở về căn nhà bé tẹo, nằm cuối con hẻm chật hẹp, đen ngòm như đường hầm địa đạo.
Ở nơi đó, ông bị người đời chê trách, khinh khi. Họ bàn tán rằng ông nhẫn tâm đem bán đứa con gái độc nhất của mình để có tiền mua đất cất nhà.
Hơn 20 năm trước, ông Phúc và vợ sống trong tận cùng nghèo túng. Để có chỗ trú mưa, che nắng cho các con, ông chấp nhận giữ đất không công cho người ta.
Không nghề nghiệp, không đất canh tác, ông Phúc đi nhặt ve chai để nuôi con mọn, vợ yếu. Đau ốm liên miên, vợ ông chỉ có thể ở nhà chăm mấy đứa con nheo nhóc. Thế nên, dẫu đã cật lực lao động, ông vẫn không lo nổi cho gia đình.
Đã thế, đúng lúc vợ mang thai đứa con thứ 3, ông được tin khu đất sắp giải tỏa. Chủ đất yêu cầu ông phải đưa vợ con rời đi lập tức.
Ông kể: “Lúc vợ tôi sắp sinh đứa con gái, chủ đất không cho ở nữa. Tôi và vợ không biết phải làm sao, không biết con sinh ra sẽ ở chỗ nào, lấy gì cho con ăn… Đúng lúc đó, có người trong xóm khuyên tôi nên cho đứa con sắp sinh để bé có cuộc sống tốt hơn”.
“Họ biết một gia đình người nước ngoài đang có ý định xin con nuôi. Nghĩ đến việc con sinh ra không có chỗ ở, không có cơm ăn, áo mặc, tôi bàn với vợ việc cho con”, ông kể thêm.
Hôm sau, ông thấy người cùng xóm dẫn theo đôi “vợ chồng Tây” đến bệnh viện bàn việc nhận con nuôi. Dù rất xót xa nhưng trong tình cảnh không thể khác hơn, ông và vợ cắn răng cho đứa con gái mới 2 tháng tuổi, chưa kịp đặt tên của mình.
Sau khi cho con, ông Phúc và vợ được cha mẹ nuôi của con gái gửi thư đều đặn. Vốn mù chữ, thư lại viết bằng tiếng nước ngoài, ông Phúc phải thuê người đọc giúp. Sau mỗi lá thư, ông tạm yên tâm vì biết con gái được chăm sóc chu đáo và đang lớn lên từng ngày.
Tuy vậy, chỉ ít tháng sau cho con, ông bị người đời khinh khi, miệt thị. Hàng xóm cho rằng ông bán con để lấy tiền mua đất, xây nhà.
Ông nói: “Sau khi cho con, cha mẹ nuôi con gái tôi có gửi cho vợ chồng tôi một số tiền. Nghĩ đến việc số tiền ấy có thể lo cho mấy đứa con còn lại nên tôi nhận. Vợ chồng tôi cho con vì nghĩ hoàn cảnh lúc đó quá khổ, sinh con ra không thể nuôi nấng, chăm lo tốt chứ không bao giờ có ý định bán con”.
“Nghe người ta nói tôi bán con lấy tiền, vợ chồng tôi đau lòng lắm nhưng không thể giải thích với ai. Bởi có nói cũng không ai tin... Tình ngay nhưng lý gian mà”, ông nói rồi khóc một mình.
Đợi ngày đoàn tụ
Cho con không bao lâu, gia đình ông Phúc rời khỏi khu đất đang ở nhờ. Chuyển sang nơi ở mới, gia đình ông mất liên lạc hoàn toàn với cha mẹ nuôi con gái của mình.
Thương nhớ con, ông nhờ một người đang du học ở Pháp đăng thông tin lên mạng xã hội tìm con. Trong các bài viết này, gia đình ông đăng tải hình ảnh bé gái lúc mới sinh với hy vọng có thể nối lại sợi dây liên lạc với con.
Trong khi đó, ở Pháp, cô con gái của ông giờ đã trở thành thiếu nữ xinh đẹp cũng đang tìm cách liên hệ với người sinh ra mình. Cô liên tục đăng câu chuyện gia đình lên hội, nhóm người Việt tại Pháp.
Năm 2020, câu chuyện ấy bất ngờ đến với người thanh niên được gia đình ông Phúc nhờ đăng tin tìm con. Hai bên kết nối, đối chiếu các thông tin, hình ảnh và quyết định gọi về Việt Nam gặp gia đình ông Phúc.
Đó là lần đầu tiên gia đình ông Phúc gặp lại đứa con gái duy nhất của mình. Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Thọ (SN 1969, vợ ông Phúc) không thể nhận ra “khúc ruột” của mình. Bởi lúc này, bé gái ngày nào đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, sang trọng.
Đến khi cô gái đưa ra tấm ảnh chụp lại lúc mình còn là một bé gái sơ sinh, bà Thọ mới nhận ra và òa khóc trong niềm hạnh phúc. Sau đó, thông qua mạng xã hội và một thông dịch viên tình nguyện, gia đình ông Phúc có lần trò chuyện đầu tiên với con gái sau hơn 20 năm xa cách.
Trong cuộc gặp này, cô gái lần lượt nhận mặt người thân và cho biết mình được cha mẹ nuôi đặt tên là Julie Calès. Tuy nhiên, cả gia đình ông Phúc đều không biết chữ nên gọi tạm cô gái bằng cái tên thân mật là “bé Sơ Ri”. Sau đó, cô gái thường xuyên gửi thư, hình ảnh của mình về cho vợ chồng ông Phúc.
Anh Trần Văn Tuấn (SN 1993, con trai ông Phúc) nói: “Gặp được bé, gia đình tôi mừng lắm, nhất là mẹ tôi. Nhưng chỉ vài hôm sau, ba mẹ tôi lại nghe được chuyện không vui. Người ta đồn ba mẹ tôi liên lạc với con ở nước ngoài chỉ để xin tiền”.
Cùng lúc này, lời đồn ông bà Phúc bán con sang Pháp để lấy tiền bất ngờ được dư luận "đào lại". Câu chuyện được đăng tải trên các mạng xã hội, được một số người xung quanh ông bàn tán, chê bai.
Những thông tin ấy như cơn sóng dữ cuốn phăng niềm vui sum họp, khiến gia đình ông lao đao. Dù thương nhớ con khôn xiết, vợ chồng ông không dám gọi điện, trò chuyện với “bé Sơ Ri”.
Mỗi khi nhớ con, ông đi ra ngoài đường, đứng nhìn về phía chân trời, nơi ông tự cho rằng đó là nước Pháp, đất nước có con gái ông đang trưởng thành từng ngày. Trong khi đó, bà Thọ lại như người mất hồn. Lúc nào bà cũng nhìn điện thoại hoặc ôm những tấm ảnh do con gái gửi về trên tay.
Thế rồi cùng với nỗi oan chưa được hóa giải, bà Thọ bất ngờ ra đi mãi mãi vì tai nạn giao thông. Anh Tuấn kể: “Ngày còn sống, mẹ tôi chỉ mong gặp lại “bé Sơ Ri” một lần. Đến khi cả 2 tìm thấy nhau và sắp sum họp thì bà lại ra đi”.
“Trong đám tang mẹ, bé gọi về và nói nếu không vì dịch bệnh, năm ngoái bé đã về thăm ba mẹ rồi. Bé khuyên ba bớt đau buồn và hứa sẽ về Việt Nam sớm nhất có thể. Như vậy, ba tôi sắp được gặp em. Chỉ thương mẹ, chưa được gặp bé đã phải ra đi”, anh ngậm ngùi.
Nghe con trai tâm sự, ông Phúc rơm rớm nước mắt. Dẫu mong con gái về từng ngày nhưng ông vẫn lo sợ trước những lời đồn ác ý. Cho đến bây giờ, tâm trí ông vẫn bị những câu nói “bán con lấy tiền”, “liên hệ với con gái mình từng bán để xin tiền” giằng xé.
Ông nói: “Mỗi lần “bé Sơ Ri” gọi về, tôi đều khóc. Tôi sợ bị người ta nói đã bán con giờ lại đi xin tiền nó để sống dù trong những lần gọi về, bé chưa một lần oán trách gia đình. Trong lần nói chuyện đầu tiên, bé nói: “Con cám ơn ba mẹ đã cho con cuộc sống tốt đẹp như bây giờ””.
Bài, ảnh: Hà Nguyễn