{keywords}
 

Trong suốt nhiều năm, Ling Dong không muốn tìm lại cha mẹ ruột. Năm 1999, khi mới 4 tuổi, Ling bị bắt cóc trong một lần bà nội lơ đãng lúc trông cháu.

Từ Thượng Hải, cậu bé bị đưa đến một vùng núi xa xôi ở phía tây nam Quảng Tây. Giống như hàng ngàn trẻ em bị bắt cóc khác, cậu bị bán cho các cặp vợ chồng không có con hoặc không có con trai.

Nhưng khi lớn lên, Ling bị nhồi nhét suy nghĩ rằng cha mẹ ruột đã bỏ rơi anh và đem bán. Anh nảy sinh lòng căm thù với cha mẹ mình từ đó.

Vài năm gần đây, khi các vụ bắt cóc trẻ con trở nên hiếm hoi ở Trung Quốc, hàng nghìn nạn nhân đã cố gắng tìm lại nguồn cội của mình nhờ cơ sở dữ liệu DNA có quy mô toàn quốc. Nhưng Ling không thấy có nhu cầu phải tìm lại cha mẹ ruột cho đến năm 2019, sự tò mò đã thôi thúc anh.

Dưới đây là câu chuyện của Ling do chính anh kể lại với điều kiện sử dụng tên giả:

Tôi bị bắt cóc vào mùa thu năm 1999. Tôi chỉ nhớ mình bị một người đàn ông đưa đến Quảng Tây, đầu tiên là bằng tàu hoả, sau đó đi thuyền và cuối cùng tôi được cõng vào trong núi. Ông ta dùng một chiếc lá lớn để múc nước trong núi cho tôi uống. Khi tôi khóc, ông ấy chơi trốn tìm với tôi và nói rằng cảnh sát sẽ bắt nếu tôi không nín.

Tôi đến một khu vực xa xôi, nơi “bố mẹ” tôi đang đợi. Ở đó có con sông nhỏ, có núi non, cây cối, gà vịt. Nơi tôi ở trước kia không có những thứ này nên tôi vừa sợ vừa tò mò.

Một lần, tôi làm vỡ chiếc bình, “mẹ” đã gọi tôi là đồ phiền toái và nói không muốn nuôi tôi nữa. Vài tháng sau, họ sinh được con và chuyển tôi cho gia đình hiện tại.

Mùa đông năm đó tôi rời nhà cha mẹ nuôi đầu tiên của mình và ngủ với “bà nội” mới. Một đêm, tôi muốn đi tiểu nhưng sợ không dám nói. Bà đã phát hiện ra. Kể từ đó, tôi cảm thấy an toàn khi ngủ với bà. Bà luôn giữ cho chân tôi ấm.

Không lâu sau, “cha mẹ” mới bắt tôi phải học làm việc nhà. Tôi bắt đầu nấu cơm cho cả nhà. Một lần, tôi lén bỏ quả trứng vào nồi cơm sắp chín. Quả trứng chín dở thấm lên bề mặt nồi cơm. Cha nuôi phát hiện ra và phạt không cho tôi ăn tối hôm đó, rồi bắt tôi phải ngủ trong chuồng lợn.

Chị gái nuôi đã lén gói thức ăn vào trong túi và ném nó vào cho tôi. Chị bảo: “Em trai, ăn đi. Đêm sẽ qua nhanh thôi, trời sắp sáng rồi. Trứng là để bán, không được ăn”.

Một lần khác, tôi muốn ăn bánh quy giòn. Chị gái đã lấy 10 tệ của cha nuôi để mua cho tôi. Tôi không muốn ăn hết một lúc nên vừa gặm vừa nhấm nháp thích thú.

Tôi luôn hỏi chị muốn làm gì khi lớn lên. Chị luôn nói rằng chị muốn ăn ngon và mặc những bộ váy đẹp. Bây giờ, mỗi năm, tôi đều mua tặng chị vài bộ váy. Chị là người bảo vệ tôi suốt những năm tháng tuổi thơ. Trong trái tim tôi, chị mang hình bóng của người mẹ.

Đôi khi tôi cũng cảm thấy thương bố mẹ nuôi khi nghĩ đến việc họ đã phải làm việc đến kiệt sức ngoài đồng. Có thể họ không thể hiện nhiều tình yêu với tôi nhưng nó vẫn tồn tại. Chẳng hạn, khi tôi ốm, họ đưa tiền cho tôi để đi bốc thuốc của thầy lang trong làng. Khi tôi bị bắt nạt, mẹ sẽ can thiệp và nổi giận thay tôi. Nghĩ rằng con mình không đủ nhanh nhẹn, bà bảo tôi lần sau hãy chạy trốn.

Tôi không thích thú với chuyện học hành cho lắm. Mùa hè năm lớp 2, tôi đi bơi trong một cái ao mà tôi không được phép vì nó không an toàn. Khi bố nuôi phát hiện ra, tôi vô cùng sợ hãi nhưng không thể trốn đi đâu được. Ông không mắng tôi nhưng phạt tôi cởi hết quần áo. “Không được ăn, cứ chơi tiếp đi cho đến khi bị đuổi học” - ông ra lệnh.

Hình phạt đó làm tổn thương lòng tự trọng của tôi. Khi mọi người đi qua, tôi phải ngồi xổm xuống nước để che vùng kín. Ngồi ngâm nước lâu khiến tay chân tôi yếu dần. Cuối cùng, khi trời sắp tối, tôi bắt đầu khóc. Lúc đó, tôi rất ghét bố mẹ đẻ của mình vì nghĩ rằng họ đã bỏ rơi, khiến tôi khổ sở thế này. Đó là lần đầu tiên tôi nghĩ đến chuyện tự tử, nhưng tôi không đủ can đảm. Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi về nhà với tư thế cúi đầu.

Cho dù tôi cư xử thế nào, bố mẹ nuôi luôn nói bố mẹ đẻ bỏ rơi tôi. Trong thâm tâm, tôi tin điều đó và sợ rằng một ngày nào đó, họ cũng sẽ đuổi tôi đi.

Năm 8 tuổi, tôi đã biết nấu nhiều món ăn, biết cho gà vịt ăn và cắt cỏ cho bò. Tôi biết rửa bát và thu dọn quần áo. Tôi biết cha mẹ nuôi muốn gì dựa trên nét mặt của họ.

Năm lớp 5, tôi bỏ học để đi chăn bò. Mỗi lần buồn, tôi đến chỗ ngôi mộ cổ trên lưng núi và bí mật viết nhật ký, vẽ tranh. Tôi vẽ hình mẹ ruột - niềm tôn kính của tôi nhưng đang ở một nơi xa xôi. Tôi ghét bà, nhưng tôi cũng nhớ bà. Tôi đoán rằng bà rất đẹp, và tự hỏi rằng mình có giống mẹ hay không.

{keywords}
Ngọn đồi gần nhà bố mẹ nuôi của Ling Dong.

Năm 15 tuổi, tôi bắt đầu cùng một người đàn ông trong làng đi làm phụ hồ. Sau 6 tháng, ông chủ thấy tôi chăm chỉ nên cho tôi học lái máy xúc để sau này kiếm việc làm thêm.

Khi đi làm, tôi cảm thấy mình được tự do - được ra khỏi nhà, được trả lương hàng tháng và được ăn những gì mình muốn. Đôi khi, tôi cay đắng nghĩ về cha mẹ ruột của mình. Ngay cả khi không có họ, tôi vẫn có việc làm, vẫn trưởng thành và kiếm được tiền.

Nhưng khi hết giờ làm, tôi thấy mọi người được bố mẹ gọi hỏi thăm, được gửi đồ ăn. Còn bố mẹ nuôi tôi thì chỉ gọi cho tôi vào ngày lĩnh lương để nhắc tôi gửi tiền về nhà và yêu cầu tôi mua những thứ họ cần. Tôi chỉ được giữ một phần nhỏ tiền lương để tiêu vặt.

Năm 18 tuổi, tôi tự dựng cho mình một túp lều ở phía sau ngọn núi và thường ngồi đó rất lâu, tưởng tượng rằng mọi thứ có thể thay đổi theo hướng tốt hơn và tôi có thể đã không thua kém những người khác.

Một lần tình cờ tôi xem được chương trình truyền hình “Hãy chờ con” trên kênh truyền hình quốc gia. Một bà mẹ tên là Zhang Xuexia đang đi tìm con trai mình. Chồng bà không thể chịu đựng thêm được nữa nên đã tự tử, chỉ để lại một câu nói: “Tất cả những gì tôi muốn là con trai tôi”.

Tôi bắt đầu tự hỏi: Liệu tôi có phải là đứa trẻ bị bắt cóc không? Nhưng sau đó, tôi lại quay trở về với suy nghĩ đã cố hữu trong đầu: Tôi hoàn toàn bị bỏ rơi. Dân làng thường nói với tôi: “Cha mẹ mày đã bán mày đi, chắc họ không cần mày nữa. Bố mẹ nuôi đã nuôi mày nên hãy đối xử tốt với họ”.

"Bà nội" sợ rằng một ngày nào đó tôi sẽ bỏ đi, vì thế bà đã kể cho tôi nghe tấm gương về một cô gái rất hiếu thảo với cha mẹ nuôi mình và không muốn gặp bố mẹ đẻ khi họ quay lại tìm cô.

Vài tháng trước khi bà nội mất, tôi là người cho bà ăn 3 lần/ngày, tắm và thay quần áo cho bà. Vào đêm bà mất, tôi tắm cho bà và cho bà ăn cháo loãng. Bà vẫn rất minh mẫn nói rằng, bà không có kỳ vọng gì ngoài việc muốn tôi tận tâm với gia đình và cuối cùng tất cả sẽ là của tôi. Tôi chấp nhận số phận của mình - họ đã nuôi dưỡng tôi, đổi lại tôi sẽ chăm sóc họ khi họ về già.

Lúc nửa đêm, bà qua đời trong vòng tay tôi. Ngay trước đó, bà không nói được lời nào, chỉ chỉ tay về phía bài vị tổ tiên ra hiệu cho tôi rằng tổ tiên đã chấp nhận nguyện vọng của bà.

(Còn nữa)

Phần 2: Sự thật được tiết lộ sau 21 năm làm con nuôi 

Nguyễn Thảo (Theo The Paper)

Bi kịch của cuộc đoàn tụ gia đình sau 15 năm con trai bị bắt cóc

Bi kịch của cuộc đoàn tụ gia đình sau 15 năm con trai bị bắt cóc

Khi cậu bé Shen Cong bị bắt cóc, cha cậu đã mải miết đi tìm con trai suốt 15 năm. Cậu bé được tìm thấy vào tháng 3 năm ngoái nhưng gia đình cậu lại đang chìm trong nợ nần.