Chính việc đưa tin chân thực và kịp thời của các hãng truyền thông Mỹ đã giúp công chúng Mỹ nhận ra rằng, sự can thiệp quân sự tại Việt Nam là một cuộc chiến tranh phi nghĩa và sớm phải chấm dứt.
Tuy nhiên, vị chỉ huy quân sự cao nhất của Mỹ tại Việt Nam trong giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc chiến, Đại tướng William Westmoreland, vẫn luôn thể hiện sự hậm hực với các nhà báo Mỹ. Ông đổ lỗi cho họ đã phá hỏng những “chiến thắng” mà quân đội Mỹ tạo ra và đưa ra những hình ảnh xấu xí tới công chúng.
Trong cuốn hồi ký “Tường trình của một quân nhân” (A Soldier Reports) xuất bản năm 1974, tướng Westmoreland dành khá nhiều phần nội dung trong cả một chương sách (chương 5 – chương cuối) để kết tội truyền thông Mỹ.
Westmoreland trở thành người đứng đầu Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV) từ tháng 6/1964 đến tháng 3/1968. Trong thời gian này, quân Mỹ tại Việt Nam tăng quân số lên đến mức kỷ lục với trên nửa triệu người, và những trận đụng độ khốc liệt, trong đó có cuộc chiến Tết Mậu Thân, đã diễn ra.
Ngay sau cuộc chiến Mậu Thân, tướng Westmoreland được Tổng thống Lyndon B. Johnson bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Lục quân; và Tướng Creighton Abrams được bổ nhiệm thay thế ông làm Chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Nói về lịch sử đối đầu giữa giới quân sự và báo chí, tướng Westmoreland khẳng định quan điểm của ông: “Tôi biết rằng trong lịch sử các chỉ huy quân sự đều có các vấn đề với giới báo chí. Hồi trước Napoléon có nói “Ba tờ báo thù địch đáng sợ hơn một nghìn lần chiếc lưỡi lê”.
Trong cuộc nội chiến ở Mỹ, tướng W.T. Sherman sau khi đã treo cổ một nhà báo về tội làm gián điệp đã nhận xét “Thà để cho Jefferson Davis cai trị còn hơn để cho bọn viết báo nhảm nhí lợi dụng quyền của họ”.
Các công dân Mỹ cuối cùng, trong đó có các phóng viên báo chí, được nhìn thấy vội vã di tản khỏi Sài Gòn một buổi trưa những ngày giáp 30/4/1975. Ảnh tư liệu |
Ông nhận định về truyền thông trong chiến tranh Việt Nam: “Khi lần đầu tiên truyền hình đã đưa chiến tranh đến tận các phòng ngủ và khi không thực hiện chế độ kiểm duyệt báo chí thì quan hệ giữa bộ chỉ huy quân sự Nam Việt Nam với giới thông tin báo chí trở nên có ý nghĩa quan trọng khác thường. Mặc dù có tất cả mọi cổ gắng của tôi và có sự ủng hộ của nhiều nhà báo, các quan hệ đó nói chung khá căng thẳng”.
Những vấn đề khiến các tướng Mỹ đau đầu
Vị đại tướng Mỹ phân tích chi tiết về những vấn đề khiến truyền thông gây bất lợi cho quân đội Mỹ. Đầu tiên, ông cho rằng đưa tin về cuộc chiến này có nhiều nhà báo còn quá trẻ và không có kinh nghiệm. Vì ít am hiểu hoặc không am hiểu lịch sử quân sự, lại chưa chứng kiến cuộc chiến tranh nào khác và cũng giống như nhiều người trong giới quân sự không biết tiếng Việt, một số nhà báo không đủ sức làm nhiệm vụ.
Việc báo chí đưa tin giật gân cũng khiến giới chỉ huy quân sự Mỹ đau đầu. “Những tiêu đề ngắn gọn trên báo đã góp phần tạo nên tính không chính xác và một số nhà báo hoạt động tự do lại dựa vào thủ đoạn đưa tin giật gân để cho mặt hàng của họ bán chạy. Nói chung, hoạt động báo chí tỏ ra muốn duy trì cách nhận xét tình hình theo lối kẻ cả. Đôi lúc tôi đã nhớ lại lời nhận xét của tướng Eisenhower với một nhà báo khi nhà báo này kể lại với ông khá dài dòng những điều sai trái trong khi tiến hành Thế chiến thứ hai. Tướng Eisenhower nói “Tôi nghĩ đó chỉ là điều cổ xưa nhất trên thế giới, những kẻ nghiệp dư cứ nghĩ rằng họ có thể làm tốt hơn những người chuyên nghiệp””.
Vấn đề thứ hai mà tướng Westmoreland nêu ra là các nhà báo thường xuyên bị thay đổi. Thậm chí những nhà báo kỳ cựu tận tâm cũng ít khi ở lại quá một năm hoặc một năm rưỡi, có một số chỉ hoạt động trong những thời gian ngắn (trừ một ít trường hợp ngoại lệ chẳng hạn như Joe Fried thuộc báo New York Daily News và hãng Mutual Broadcating System, Robert Shaplen thuộc tạp chí The New Yorker, George McArthur của hãng AP và sau đó là phóng viên của báo Los Angeles Times, Pat Merick thuộc báo US News and World Report).
Tướng Westmoreland nhấn mạnh việc một số người chỉ trích gay gắt nhất là những nhà báo Mỹ chưa hề tới thăm Việt Nam. Trong khi đó, “truyền hình đã đưa chiến tranh đến tận nhà ở của người Mỹ”, nhưng vị tướng cay đắng nhận xét rằng, những yêu cầu độc nhất của truyền hình đã góp phần tạo ra một bức tranh bị bóp méo về cuộc chiến tranh.
“Tin tức bị dồn ép nên khi nhìn vào thật là thê thảm”, viên tướng cay đắng bình luận. “Do đó, cuộc chiến tranh mà người Mỹ thấy được là súng nổ, người chết, máy bay trực thăng bị nổ, nhà sập, lều cháy, người tị nạn chạy trốn, phụ nữ kêu khóc - chụp một ngôi nhà đổ nát có thể gây ra ấn tượng là cả thành phố bị phá hủy. Khuynh hướng của các nhà quay phim là đặt các nhà bình luận của họ trước một chiếc C-130 bị phá hủy và đưa ra những tin tức bằng những giọng gợi cho người ta thấy đâu đâu cũng là những ngày tận thế. Người ta chỉ chú ý qua loa tới công tác bình định, hoạt động dân sự, sự giúp đỡ về y tế, cuộc sống nói chung là bình thường đối với đa số nhân dân”.
“Tội nhiều, công ít” của báo chí Mỹ
Và mặc dù viên tướng cho rằng “Từ đầu tới cuối tôi đã cố tránh gây thù oán với giới báo chí”. Tuy nhiên, ông ta vẫn luôn cảm thấy phẫn uất vì đã phải mất thì giờ để cùng bộ tham mưu làm sáng tỏ hoặc đính chính những tin tức báo chí đã gửi cho các cấp trên ở Washington.
Thậm chí, ông cho rằng sự kiện gây ấn tượng nhất trong cuộc chiến, là cuộc thảm sát Mỹ Lai, báo chí cũng không có công phát hiện, mà chỉ “vớ lấy” khi lục quân Mỹ bắt đầu công bố công khai cuộc điều tra theo cơ sở những lời buộc tội một sĩ quan có liên can.
Mặc dù vậy, tướng Westmoreland vẫn cho rằng, báo chí đưa tin cuộc chiến ở Việt Nam cũng đã có những mặt tích cực. “Trong khi thường xuyên đi tìm những cái tiêu cực, báo chí đã trở thành một người giúp việc cho tổng thanh tra của tôi và đã báo cho tôi biết nhiều vấn đề mà tôi có thể không biết. Lấy ví dụ năm 1966, một nhà báo đã tới gặp tôi mang theo một tấm ảnh chụp cảnh lính Mỹ kéo lê xác một ‘Việt cộng’ cột sau một chiếc xe bọc thép”, ông viết trong hồi ký.
Và trong các tờ báo đưa tin về chiến tranh Việt Nam, tướng Westmoreland cho rằng tuần báo Anh The Economist là “chính xác và khách quan hơn hết”, vì “các nhân viên tòa báo đều là những người viết sử có năng lực”.
Do những phản ánh quan điểm chiến tranh của nhiều người ở Mỹ và đôi khi góp phần tạo ra quan điểm đó, giọng điệu chung của báo chí và truyền hình là phê phán chỉ trích, đặc biệt từ sau cuộc tấn công Tết năm 1968. Đúng như nhà báo uy tín Demis Warner đã nhận xét: có người nói rằng đây là cuộc chiến tranh đầu tiên trong lịch sử bị thua trên các cột báo của tờ New York Times.
Tướng Westmoreland nhắc đến bài báo “Sự chấm dứt một đường hầm”, của nhà báo James Reston viết trên tờ New York Times ngày 30-4-1975: “Xin các nhà viết sử đồng ý cho rằng các nhà báo và những chiếc máy ảnh rút cục có tính chất quyết định. Họ đã đưa ra giải pháp của cuộc chiến tranh cho nhân dân thấy, trước khi quốc hội và các tòa án quyết định, và đã buộc phải rút lực lượng Mỹ ra khỏi Việt Nam”.
Không chỉ giới quân sự, mà ngay cả Ngoại trưởng Mỹ thời đó Dean Rusk cũng căm phẫn giới báo chí, vì ông đã chịu đựng nhiều điều thất vọng khiến cho các nhà báo khó mà quên ngay được lời ông nói: "Đã tới lúc mà vấn đề là ở phía các ông”.
Theo quan điểm cá nhân, William Westmoreland cho rằng: “Rất có thể là giữa báo chí và giới cầm quyền có sự mâu thuẫn cố hữu, rõ ràng về quyền lợi. Giữa hai bên có thể trách nhau mặt này mặt nọ, nhưng trong khi đất nước có chiến tranh và tính mạng con người bị liên lụy, thì không thể có chuyện mập mờ ở đây nữa”. Nhiều chính trị gia Mỹ cũng lên tiếng yêu cầu báo chí Mỹ phải đặt vấn đề lợi ích quốc gia lên trên hết.
Mặc dù vậy, báo chí Mỹ vẫn đưa cho công chúng những thông tin chân thực, vẽ nên màu sắc u ám của cuộc chiến, khiến các phong trào phản đối chiến tranh, đòi rút quân đội về tăng cao. Từ đó, cùng với những bài học từ chiến trường và bối cảnh quốc tế, chính phủ Mỹ đã ký vào hiệp định Paris, rút quân về nước.
Và sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968 thì mối quan hệ giữa Quân đội và truyền thông Mỹ đã thay đổi hoàn toàn. Truyền thông Mỹ không được tham gia chiến sự. Nếu có thì chỉ ở các đơn vị gián tiếp và phải có sự kiểm duyệt chặt chẽ về thông tin.
Sau chiến tranh Việt Nam, các cuộc chiến ở Trung Mỹ (1981 – 1985), Panama (1990), chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ 1… thì báo chí không được phép có mặt tại chiến trường nữa.
Nhưng những ngăn cấm đó không thể ngăn được các nhà báo Mỹ tiếp tục đưa tin, giúp cho công chúng nhận được thông tin chiến sự liên tục hàng giờ, bên cạnh các thông tin do quân đội phát ra.
Mặc dù vậy, tính chất đưa tin của truyền thông Mỹ từ sau chiến tranh Việt Nam đã không còn như xưa nữa.
Lê Tiên Long