Theo đó, hãng đang tập trung phát triển những giải pháp về quyền riêng tư thay thế cho các định danh quảng cáo (advertising ID) – chuỗi ký tự độc nhất xác định thiết bị của người dùng. Các ID kỹ thuật số trong smartphone thường giúp các công ty công nghệ quảng cáo theo dõi và chia sẻ thông tin về người tiêu dùng.
Thay đổi này có thể tác động tới những công ty phụ thuộc vào việc theo dõi người dùng trên các ứng dụng như Facebook. Năm 2021, điều chỉnh của Apple về quyền riêng tư cũng khiến Meta (công ty mẹ của Facebook) bị ảnh hưởng nặng nề.
Đầu tháng này, Meta cho biết công ty có thể phải gánh thiệt hại 10 tỷ USD trong năm 2022, gây ra do thay đổi chính sách của Apple. Chỉ trong 1 ngày, vốn hóa Meta bị thổi bay 232 tỷ USD và giờ chỉ có giá trị dưới 600 tỷ USD (so với vốn hoá hơn 1 ngàn tỷ USD vào thời điểm tháng 6/2021).
Mặc dù vậy, lần này Meta lại lên tiếng ủng hộ kế hoạch thay đổi chính sách về quyền riêng tư của Google.
“Thật đáng khích lệ đối với cách tiếp cận mang tính hợp tác, lâu dài này nhằm cá nhân hoá bảo vệ quyền riêng tư từ phía Google”, Graham Mudd, Phó chủ tịch tiếp thị sản phẩm, quảng cáo và kinh doanh của Facebook cho biết trên Twitter. “Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với họ cũng như toàn lĩnh vực để nâng cao công nghệ bảo vệ quyền riêng tư”.
Google sẽ tiếp tục hỗ trợ các định danh hiện tại trong thời gian 2 năm tới, nghĩa là các công ty khác sẽ có thời gian để thích ứng.
Apple đã bị Facebook và các công ty khác chỉ trích khi phát hành tính năng “Minh bạch theo dõi ứng dụng” (App Tracking Transparency), làm giảm khả năng định hướng đối tượng thông qua hạn chế các nhà quảng cáo truy cập vào mã nhận dạng người dùng iPhone. Với thay đổi này, một cửa sổ sẽ hiện lên cho phép người dùng chặn các ứng dụng theo dõi dữ liệu vì mục đích quảng cáo.
Google đã chỉ trích cách làm trên của Apple trong một bài đăng trên blog dù không nêu rõ đích danh “Táo khuyết”.
“Chúng tôi nhận thấy một số nền tảng đã thực hiện cách tiếp cận khác với quyền riêng tư về quảng cáo, thẳng thừng hạn chế những công nghệ hiện có đang được sử dụng bởi các nhà phát triển và công ty quảng cáo”, Anthony Chavez, Phó chủ tịch quản lý sản phẩm, bảo mật và quyền riêng tư của Google Android viết.
“Chúng tôi tin rằng, không đưa ra một giải pháp thay thế thì những cách tiếp cận như vậy có thể không mang lại hiệu quả, mà còn tác động tiêu cực đối với quyền riêng tư của người dùng cũng như các hoạt động kinh doanh của nhà phát triển”.
Việc tập trung vào các hoạt động bảo mật có thể giúp Google vượt qua các vấn đề pháp lý trong bối cảnh những nhà lập pháp và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến dữ liệu cá nhân hơn. Công ty cũng cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với nhà chức trách về vấn đề trên.
Vinh Ngô (theo CNBC)
Google đưa Chrome OS lên PC và máy Mac
Google vừa phát hành bản truy cập sớm (early access) của hệ điều hành độc quyền Chrome OS, có tên Chrome OS Flex.