DN tư nhân khát vốn
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng Ban Kinh tế TƯ, cho rằng, hệ thống tài chính, ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản phát triển, trong đó có vấn đề tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn.
Một khảo sát mới đây của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy có tới 60% DN nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn. DN nhỏ và vừa hiện chiếm tỷ trọng 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp hơn 40% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách. Tuy vậy, dư nợ tín dụng chỉ ở mức 20% nghĩa là chỉ chiếm 1/5 tổng dư nợ cả nước. Khả năng tiếp cận các nguồn vốn khác cũng rất hạn chế.
Kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có vấn đề tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn. |
Về phía ngân hàng cho rằng, để đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị ngày càng cao theo thông lệ quốc tế, các ngân hàng đưa ra nhiều điều kiện đối với khách hàng vay vốn. Trong đó, những điều kiện mang tính chuẩn mực được đưa ra dựa trên cơ sở quy định của pháp luật và mọi DN vay vốn cần tuân thủ. Những DN nhỏ và vừa thiếu tài sản đảm bảo, tính minh bạch của thông tin chưa cao nên thường khó tiếp cận vốn ngân hàng.
Trong khi đó, theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có sự mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn. Nhu cầu vốn trung, dài hạn của DN để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh rất lớn, nhưng thị trường vốn chưa phát triển đủ cả về quy mô và chất lượng để có thể đáp ứng. Do đó, vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng. Tín dụng trung, dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn, khoảng 50,6% tổng dư nợ. Thực trạng này đang tạo sức ép và rủi ro rất lớn, cho hệ thống tổ chức tín dụng.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực nhận xét, thời gian qua tín dụng ngân hàng vẫn giữ vai trò chủ đạo. Điều này khiến cho hệ thống ngân hàng thương mại phải thực hiện vai trò cung ứng vốn cho cả nền kinh tế, trong khi sự tham gia của các định chế phi ngân hàng còn rất hạn chế. Sự mất cân bằng về cơ bản đè nặng áp lực lên lĩnh vực ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xây dựng quy định mới để bảo đảm an toàn trong hoạt động của các ngân hàng. Theo đó, thời gian tới tiếp tục giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.
Kể từ 1/1/2019, theo quy định, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống còn 40%, thời gian tới sẽ giảm xuống 35% hoặc 30%. Giới chuyên gia cho rằng, tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn ở các nước phát triển chỉ ở mức khoảng 20%. Trong khi tại Việt Nam vẫn khá cao, cần giảm xuống nữa. Cùng với đó, các ngân hàng sẽ phải tính phương án cụ thể để giảm lượng tín dụng rót vào lĩnh vực này.
Điều này sẽ thúc đẩy các DN không phụ thuộc vào vốn ngân hàng, chủ động tiếp cận các phương thức huy động vốn khác như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu hay kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư tư nhân...
Về phía các DN tư nhân, cũng có nhiều phàn nàn, khi vay vốn trung, dài hạn từ ngân hàng phải chịu lãi suất không ổn định. Thời gian đầu thấp, nhưng sau bị đẩy tăng lên khiến DN gặp rủi ro, mà nguyên nhân là do ngân hàng sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Ở những quốc gia có thị trường trái phiếu DN phát triển, bất cứ DN nào muốn phát hành trái phiếu, đều phải xếp hạng tín nhiệm |
Tìm đâu nguồn tín dụng?
Trong khi đó, thị trường trái phiếu là một kênh cấp vốn trung, dài hạn rất quan trọng đối với DN. Nhưng hiện tại, thị trường này mới phổ biến với trái phiếu Chính phủ, trái phiếu DN còn rất hiếm. Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trái phiếu DN tại Việt Nam mới chỉ chiếm gần 2% GDP, mức thấp so với 7-10% của các nước trong khu vực. Nhà nước cần phát triển thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu DN, bởi đây sẽ là một trong những kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng của các DN tư nhân.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, việc hình thành kênh trái phiếu cho DN không hề dễ dàng. DN nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ khoảng 97% tổng số DN hiện nay. Các DN muốn phát hành trái phiếu phải đạt mức độ tín nhiệm nhất định, cũng như trình độ phát triển tốt. DN nhỏ và vừa Việt Nam khó đáp ứng yêu cầu này.
Đặc điểm của DN nhỏ và vừa Việt Nam là có năng lực tài chính hạn chế, dự án hoặc phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, khả năng hoàn vốn thấp. Chưa kể, công tác hạch toán kế toán còn thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch. Bên cạnh đó, phần lớn DN nhỏ và vừa có trình độ quản lý thấp; hoạt động mang tính tự phát, thiếu kế hoạch và chiến lược cụ thể. Đặc biệt, nhiều DN còn ngại công bố thông tin, thậm chí dấu thông tin, báo cáo thông tin tài chính chưa được rõ ràng, trong khi tính minh bạch là một trong những điều kiện quan trọng.
Ở những quốc gia có thị trường trái phiếu DN phát triển, bất cứ DN nào muốn phát hành trái phiếu, đều phải xếp hạng tín nhiệm. Có những quốc gia phải mất hàng chục năm để xây dựng văn hóa xếp hạng tín nhiệm. Việt Nam rất chậm chạp trong việc thúc đẩy hoạt động này, chuyên gia Phạm Nam Kim nhận xét.
Ngoài ra, Việt Nam chưa có hệ thống xếp hạng và đánh giá tín nhiệm để DN có thể phát hành trái phiếu ra ngoài, hoặc nhà đầu tư có thể căn cứ vào đó để quyết định mua hoặc bán.
Ý kiến các chuyên gia cho thấy, việc hạn chế tiếp cận thị trường vốn tại Việt Nam là một trong những nguyên nhân khiến tín dụng đen “có đất” phát triển. Để khơi thông nguồn vốn trung dài hạn cho các DN tư nhân, cần hoàn thiện thể chế; tái cơ cấu thị trường tài chính và thị trường vốn; tăng cường minh bạch thông tin; xây dựng văn hóa minh bạch thông tin và văn hóa xếp hạng tín nhiệm; thúc đẩy xây dựng hạ tầng về tài chính, cơ quan xếp hạng tín nhiệm và đưa ra giải pháp thanh khoản thị trường.
Trần Thủy