- Ngọn đèn điện từ bờ kéo ra ghe tỏa sáng. Trên ghe, 3 người đàn ông và một phụ nữ ngồi thành vòng tròn. Ở giữa, một phụ nữ khác đang nằm. Cứ thế, hết người này đến người kia mỗi người góp một câu nhẹ nhàng nhưng thâm sâu xoáy vào tâm tư người bất hạnh.

Ngõ cụt

21g đêm. Xóm chài Bình Lợi (P.13, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) ngập chìm trong bóng tối.

Chỉ riêng chiếc ghe ông Ba Chúc tỏa đèn sáng trưng. Ngồi trước khoang thuyền, chị Nguyễn Thị Hinh  - vợ ông - đang nhả từng lời với người phụ nữ đang nằm trước mặt.

Chung quanh, ngoài ông Ba Chúc còn có 2 người đàn ông khác là hàng xóm và cũng là bạn chài lưới với ông Ba. Giọng chị Hinh trầm buồn.

{keywords}
Vợ chồng ông Ba Chúc và bà con lối xóm khuyên giải người đàn bà bất hạnh.

Chị nói chậm rãi: "Em giận con nhảy cầu tự tử. Em cứ thử nghĩ xem, nếu không được cứu thì giờ này bà mẹ già trên 80 tuổi của em sẽ ra sao ? Mình đừng một phút nóng giận mà quên đi những người chung quanh. Phải quí mạng sống em ạ. Con em nó có thế nào thì nó cũng là con của mình. . .".

Chị phân tích chí tình, cặn kẽ và thấu đáo. Thỉnh thoảng, ông Ba Chúc và 2 người đàn ông phụ họa thêm, bổ sung cho những điều chị Hinh đang nói.  

Người đàn bà đang nằm ở sàn thuyền là người vừa được ông Ba Chúc cứu sống.

Ông kể lại: "Lúc 20g một chiếc sà lan cát chạy ngang hô lớn "anh Ba ơi ra cứu người. Có người tự tử kìa". Tôi nhanh chóng lên vỏ lãi khởi động máy chạy vội ra hướng về cầu Bình Lợi mới. Trước mắt tôi, giữa dòng nước đang lúc dâng cao, một người phụ nữ ôm chiếc phao đuối dần. Tôi áp sát và kéo người này bỏ lên vỏ lãi chạy về bến...".

Người đàn bà lâm vào trạng thái tuyệt vọng dẫn đến không thiết sống tuổi trung niên. Mặc dù đã qua tuổi thanh xuân nhưng nép đẹp vẫn còn phảng phất trên gương mặt hiền hậu. Chị chưa ngồi dậy được và vẫn nằm đó.

"Em buồn lắm chị ơi. Con em nó không còn thương và nghĩ tới em nữa". Tiếng nói của chị nhỏ nhẹ. Giọng nói bày tỏ nỗi niềm uất ức. Chị Hinh khuyên giải: "Chuyện gì cũng có cách giải quyết. Sao em dại dột thế? Giả sử giờ này em nằm dưới đáy sông thì người thân sẽ đau xót đến dường nào?".

Từng lời nói của chị Hinh như rót vào tâm tư người đàn bà đau khổ. Càng lúc càng thấm, bỗng dưng chị bật khóc như đứa trẻ lên ba….

Hơn 20 năm ngụ ở bờ sông này, vợ chồng ông Ba Chúc đã cứu sống hơn 200 trường hợp tự tử. Không hoàn cảnh nào giống hoàn cảnh nào, nhưng khi con người lâm vào ngõ cụt ai nấy cũng đều cạn nghĩ.

Chỉ đến khi được 'hồi sinh', họ mới thấy được chân giá trị của cuộc sống.   

Chữ hiếu và lòng tự trọng

Chị là Nguyễn Thị K.L. 43 tuổi nhà ở một chung cư gần đó. Chị kể lại cho chúng tôi nghe nguyên nhân dẫn đến quyết định tìm cái chết.

{keywords}
Ông Ba Chúc và vợ, bà Nguyễn Thị Hinh.

Chị lập gia đình rất sớm. Đứa con gái chị năm nay đã 20 tuổi. Cha cháu bỏ chị khi cháu vừa 10 tháng tuổi. Làm mẹ đơn thân, chị ở vậy nuôi con đến lớn khôn bằng bất cứ nghề gì lương thiện để trang trải cuộc sống.

Ngoài con, chị còn bà mẹ già trên 80 tuổi cần phụng dưỡng.

Chị bán thức ăn sáng trên đường Điện Biên Phủ để mưu sinh. Công việc buôn bán ban đầu cũng sống được nhưng về sau cứ sa sút dần dẫn đến món nợ gần 20 triệu đồng.

Đứa con gái chị phải lòng một thanh niên và đã bỏ nhà ra đi khi chị có ý kiến không bằng lòng với mối quan hệ này.

Nợ đòi. Buộc phải vay nóng chỗ này để trả chỗ khác, chị tìm đến một nơi cho vay nặng lãi nhưng bất ngờ, người này có bà con với người tình của con chị. Họ yêu cầu con gái chị và người tình đến bảo lãnh cho chị thì mới được vay.

Chị gọi điện cho con mấy lần nhưng con không đoái hoài tới. Trong khi đó chủ nợ cứ hối thúc…...

Chỉ có thế thôi mà chị quẫn trí. Từ nhà, chị đi bộ lên cầu Bình Lợi mới gieo mình xuống sông Sài Gòn đang cuồn cuộn dâng cao. May mà gặp chiếc sà lan cát quăng cho chiếc phao và sau đó ông Ba Chúc đến vớt.

Vợ chồng ông Ba Chúc gọi điện cho thân nhân đến đưa chị về. Đứa con gái hay tin chị như thế vẫn bặt vô âm tín…. Dường như tình mẫu tử đã chết lịm trong trái tim của cô gái mới lớn này?  

Người đón chị là một đứa cháu gọi bằng dì, nước mắt lưng tròng khi thấy chị còn nguyên vẹn.

Món nợ gần 20 triệu đồng, sự ngoảnh mặt của đứa con được nuôi dưỡng lớn khôn trong vòng tay thương yêu của mẹ đã làm cho chị mất hết lý trí. Trên đời này còn rất nhiều người nợ nần chồng chất gấp trăm lần, ngàn lần chị mà vẫn trơ trơ thì kể ra chị vẫn còn lòng tự trọng nên mới tìm cái chết.

"Đứa con chị nó bất hiếu bỏ mặc chị trong lúc khốn cùng. Chị đi tìm cái chết để giải thoát thì chị bất hiếu gấp mấy lần đối với người mẹ già đang cần chị phụng dưỡng" - câu nói của chị Hinh làm L. như bừng tỉnh.

Rồi chị nói: "Em cám ơn anh chị Ba đã cứu sống em. Em xin ghi nhớ những lời giáo huấn này và sẽ cố gắng sống tốt trong những ngày sắp tới".

Trần Chánh Nghĩa