Trong phần 2 của cuộc trò chuyện, GS Hà Vĩnh Thọ đã chia sẻ với VietNamNet những khó khăn riêng trong cuộc sống ông đã trải qua, cách chuyến hóa nỗi đau thành hạnh phúc, cũng như những thay đổi trong giáo dục trước một thế giới nhiều biến động. XEM PHẦN 1 TẠI ĐÂY.
Phóng viên: Theo đuổi trường học hạnh phúc, giáo sư đã bao giờ... gặp đau khổ, trong cuộc sống hoặc công việc?
GS Hà Vĩnh Thọ: Tất nhiên rồi! Tôi đã có những khó khăn riêng, vì cuộc sống của con người luôn luôn đầy những thử thách.
Thử thách đầu tiên và lớn nhất đó là về gia đình. Chúng tôi có ba con, nhưng một cháu đã mất. Với một gia đình trẻ, mất con là nỗi đau rất lớn. Nhưng bạn chỉ có thể đối mặt với thách thức chứ không thể né tránh nó, đúng không?
Vấn đề là bạn đối mặt như thế nào?
Con gái thứ ba nhà tôi qua đời vì sinh non. Còn con gái của chúng tôi đang ở đây (một trong những diễn giả trình bày hội thảo ở Huế - PV) là một bác sĩ nhi khoa, chuyên xử lý những ca sinh non.
Lúc còn bé, khi vẽ tranh về gia đình, cháu luôn vẽ em gái mình trên một đám mây. Bây giờ, nghề của con là giúp những đứa trẻ sinh non sống sót.
Nếu bạn xem bài thuyết trình vào chiều nay, cháu sẽ kể câu chuyện về một bé gái chào đời chỉ nặng 650g, bằng một quả xoài. Bé gái này hiện đã là một thiếu niên và rất khỏe mạnh.
Bạn thấy đấy! Một câu chuyện gia đình bi kịch có thể được chuyển hóa thành một điều gì đó tích cực, chẳng hạn như ý chí giúp đỡ, hỗ trợ những đứa trẻ khác.
Một ví dụ khác là vào thời điểm trước khi đến Bhutan, tôi làm việc chủ yếu ở các khu vực chiến sự trong các vùng xung đột với Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế. Có lẽ, bởi đã chứng kiến quá nhiều mất mát nên tôi dần quan tâm đến hạnh phúc.
Tôi nghĩ rằng, hạnh phúc không phải là một ảo tưởng hay mọi người có thể luôn luôn hạnh phúc, chỉ cần mỉm cười và mọi thứ sẽ ổn. Tôi luôn tự hỏi, làm thế nào có thể chuyển hóa đau khổ và tạo ra hạnh phúc?
Phóng viên: Từng là Giám đốc chương trình của Trung tâm Tổng hạnh phúc Quốc gia tại Bhutan, diễn giả nổi tiếng với các chủ đề: “Tổng hạnh phúc quốc gia”, “Hạnh phúc và an lạc”, “Đằng sau GDP”; ông nhìn thấy điều gì "đằng sau đại dịch Covid-19", khi con người giờ đây càng đối mặt với nhiều thách thức: trí tuệ nhân tạo phát triển, kinh tế suy thoái phủ bóng toàn cầu?
GS Hà Vĩnh Thọ: Tôi nghĩ rằng Covid-19 vừa là thách thức vừa là một cơ hội. Cơ hội để dừng lại và cân nhắc xem chúng ta muốn phát triển theo hướng nào.
Trong những thập kỷ qua, mọi sự phát triển đều hướng tới tăng trưởng kinh tế. Nhưng chỉ tăng trưởng kinh tế thôi chưa đủ. Bởi không thể có sự tăng trưởng vô hạn trong một hành tinh hữu hạn. Hướng tới tăng trưởng vô hạn, sớm muộn tài nguyên cũng sẽ cạn kiệt hoàn toàn và trái đất sẽ bị hủy diệt. Mặt khác, nếu chỉ tập trung vào của cải vật chất sẽ không bao giờ là đủ và chúng ta cũng sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn.
Cố gắng gia tăng hạnh phúc của bản thân bằng cách có nhiều của cải vật chất hơn chỉ là phương thức hữu hạn.
Nhưng sự phát triển nội tại thì sao? Sự phát triển tâm thần, sự phát triển tâm lý, sự phát triển tâm linh, tất cả đều vô hạn. Nó không lấy đi bất cứ thứ gì từ những người khác.
Chúng ta cần chuyển hướng sự tập trung. Cần làm gì, muốn đặt năng lượng của mình vào đâu? Cái chúng ta cần chỉ là những thứ vật chất lớn hơn, hay là sự hạnh phúc và an lạc? Hay là chất lượng của các mối quan hệ?
Việc dồn hết sự chú ý hoặc an toàn của mình vào vật chất sẽ chỉ để lại nỗi thất vọng. Tôi cho rằng, đã đến lúc nhân loại cần phải thức tỉnh và tuyên bố phải tập trung vào một thứ khác. Nếu không, chúng ta sẽ chịu thiệt hại rất nhiều.
Theo tôi, trong cuộc sống, có hai cách để học hỏi, hoặc là bạn trở nên có ý thức hơn, hoặc chịu tổn thất. Vì vậy, tốt hơn hết là chúng ta thức tỉnh trước khi phải chịu đau khổ, hơn là đợi cho đến khi đau khổ mới chịu thức tỉnh.
Phóng viên: Dường như không có “động lực “tham” thì khó mà phát triển. Thưa giáo sư! Làm thế nào để biết được "tham" đến ngưỡng nào chấp nhận được?
GS Hà Vĩnh Thọ: Câu hỏi bao nhiêu là đủ là một câu hỏi rất quan trọng cho bản thân, vì tư duy tăng trưởng vô hạn định là một trong những nguồn gốc của sự tàn phá thiên nhiên và cũng là nguồn gốc của sự bất bình đẳng xã hội.
Khi những người giàu trở nên giàu hơn những người khác sẽ rất khó khăn. Giống như chia phần một chiếc bánh vậy.
Vậy nên, chúng ta cần tự hỏi mình, bao nhiêu là đủ để tôi có thể chia sẻ đồng đều tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực tài chính mà không khiến người khác phải thiếu thốn.
Phóng viên: Ông từng chia sẻ: "Tôi muốn lội ngược dòng, tìm đến tận gốc rễ của sự việc". Hiện nay, trong nhà trường Việt Nam, bóng dáng hạnh phúc cần hiện hữu nhiều hơn nữa. Ông đã “lội ngược dòng, tìm gốc rễ của sự việc" để hợp tác với các trường kiến tạo hạnh phúc thực sự ra sao?
GS Hà Vĩnh Thọ: Đối với tôi, bơi xuôi dòng hay ngược dòng không hẳn là cố gắng tìm hiểu xem nhu cầu của thời đại bây giờ là gì.
Hệ thống giáo dục ở Việt Nam trong những thập kỷ qua đã rất thành công theo một cách nào đó. Nếu không thành công đất nước đã không phát triển được như bây giờ. Nhưng, thế giới đang thay đổi và vì thế giáo dục cũng phải thay đổi.
Nhiều thập kỷ qua, các trường tập trung nhiều vào việc học, ghi nhớ và lặp lại thông tin, nên hầu hết các kỳ thi cơ bản là việc lặp lại những thông tin bạn nhớ. Nhưng bây giờ, ai cũng có một chiếc điện thoại thông minh và chỉ cần ấn vài chữ là bạn có tất cả thông tin cần thiết. Vậy ích lợi của việc dành hàng giờ đồng hồ để ghi nhớ những thứ mà bạn có thể tìm thấy trong tích tắc chỉ với một phím enter là gì?
Bây giờ vấn đề lại khác, đó là khi có quá nhiều thông tin và không biết xử lý như thế nào. Trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra tin thật và tin giả. Nếu không phân biệt được đúng hay sai trẻ em cần phải học thứ khác, chứ không phải chỉ học thuộc lòng.
Thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, máy móc đã thay thế rất nhiều công việc thủ công, những người chỉ biết làm việc thủ công sẽ mất việc, còn biết cách làm việc với máy móc thì có công việc tốt. Điều này tương tự với xã hội bây giờ, khi trí tuệ nhân tạo giải quyết nhiều việc thay thế con người. Cố gắng cạnh tranh với trí tuệ nhân tạo, chúng ta sẽ thua.
Không con người nào có thể tính toán nhanh như máy tính hoặc có thể thu thập nhiều thông tin như trí tuệ nhân tạo.
Vậy, đâu là thứ mà chỉ con người mới có thể làm được? Sáng tạo, đó là con người! Máy móc chỉ tóm tắt thông tin. Đổi mới, đó là con người! Tạo ra mối quan hệ, đó là con người! Nghệ thuật, đó là con người!
Vì vậy, phải tập trung giáo dục vào những khía cạnh mà máy móc không thể thay thế, để con em chúng ta bổ sung cho máy móc. Máy móc sẽ giải phóng chúng ta khỏi những việc không cần thiết.
Nếu không, chúng ta đang giáo dục con cái mình về những vấn đề của ngày hôm qua thay vì những thách thức của ngày mai.
Chúng ta có thể thay đổi tương lai, nếu nhận thức được hiện tại. Bởi vì, tương lai không thực sự tồn tại, tương lai chỉ là hiện thân của những hạt giống chúng ta gieo trồng hiện tại.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ một chút về việc đọc sách của mình?
GS Hà Vĩnh Thọ: Tôi khám phá ra việc đọc từ rất sớm và nhận ra rằng đọc sách giống như bước vào một thế giới khác. Khi đọc một cuốn sách, bạn phải huy động trí tưởng tượng riêng. Sự tưởng tượng sẽ in hằn rất sâu trong tâm trí. Từ đó có thể mở ra trước mắt bạn một thế giới mới. Đọc sách thực sự giúp huy động cả thế giới nội tâm. Vậy nên, tôi đọc rất nhiều.
Khi ở nhà, chúng tôi đọc cho con cái nghe và dần dần các con cũng hình thành thói quen đọc. Bây giờ, các cháu của tôi cũng có thói quen này Khi đã khám phá ra niềm vui của việc đọc sách thực sự rất tuyệt vời. Đến nhà tôi, bạn sẽ thấy sách ở khắp mọi nơi. Đấy thực sự là kho báu đã nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi.
Phóng viên: Cảm ơn giáo sư về buổi trò chuyện!