- Là nơi tiềm ẩn hàng trăm loại vi khuẩn có thể gây hại đến sức khỏe nhưng lâu nay  nhà vệ sinh tại các trường học vẫn là nỗi sợ hãi của học trò khi phải "giải quyết nhu cầu".

Rùng mình vì nhà vệ sinh bẩn

Theo khảo sát mới nhất về chủ đề “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của Bộ GD-ĐT, 73% trường học được điều tra có nhà vệ sinh nhưng chỉ có 11,7% số trường có nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong khi đó, nhà vệ sinh luôn được đánh giá là môi trường rất nhạy cảm với bệnh tật, đe dọa sức khỏe của hàng triệu học sinh.

Được mọi người quen gọi bằng cái tên “Hiệp toilet”, hơn 2 năm qua ông Lê Văn Hiệp, Giám đốc công ty Kim Hoàng Hiệp, đại diện Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới -WTO tại Việt Nam cùng các cộng sự đã đi đến hàng trăm nhà vệ sinh ở nhiều địa phương trên cả nước để khảo sát thực trạng nhà vệ sinh, đặc biệt tại các trường học ra sao.

“Nỗi day dứt của tôi đến từ chính câu chuyện của con gái tôi, cháu từng về nhà tâm sự với bố mẹ vì nhà vệ sinh bẩn, hôi hám nên không dám vào hoặc cố gắng nhịn đợi khi về nhà. Đến thời của cháu tôi, con em bạn bè tôi giờ vẫn chung hiện trạng đó” – ông Hiệp chia sẻ.

Tự trăn trở đó, ông Hiệp tự bỏ tiền đi nhiều trường học, nhiều lần phải giả làm phụ huynh để vào thăm các nhà vệ sinh của học trò. “Nhớ lắm có lần tôi tới một trường tiểu học ở Lâm Đồng. Trường nói các em đã được sắp xếp chỗ vệ sinh đầy đủ. Nhưng thực tế thì các bé trai phải ra bờ rạch, các em gái thì ngồi trong một khu có các tấm vách ngăn, bệ là gạch ống. Cảm giác hôi thối ấy mỗi lần nhớ lại khiến tôi rùng mình” – ông Hiệp nhớ lại.

{keywords}
Nhà vệ sinh bẩn đã và đang là nỗi sợ hãi của nhiều thế hệ học trò.

Tại Bình Dương, theo khảo sát của ông Hiệp đa phần các trường học đã được đầu tư khang trang, lớp học đạt chuẩn quốc gia nhưng nhà vệ sinh hiện vẫn là mảng màu tối. Nhà vệ sinh được xây dựng theo lối cũ, hôi hám, tốn kém nước. Trên 85% trường vẫn dùng máng tiểu nam, đáng chú ý có trường chỉ có máng tiểu nữ, tạo mùi hôi, khai thường trực.

Một cô giáo xin phép giấu tên tại Bình Dương đã tâm sự rất thật với chúng tôi rằng học trò của cô đến giấy đi vệ sinh cũng thiếu, nhiều em phải nhịn về nhà.

“Khu nhà vệ sinh đã quá xuống cấp, nền gạch lúc nào nước cũng ngập lênh láng. Với thiết kế cũ nên các em trai hay em gái đi vệ sinh nước tiểu đều dễ dàng bắn ra ngoài. Giấy vệ sinh các em chỉ được bỏ vào một thùng rác không có nắp đậy rất mất vệ sinh” – cô cho biết.

Đa phần các trường hiện nay cũng dùng nhà vệ sinh với hầm tự hoại, tự thấm, thể tích hầm hạn chế, cách vệ sinh vẫn dùng là bơm, xả thẳng nước vào nên nhiều khi hầm bị đầy, trào cả ra nước khi xe vệ sinh chưa được gọi đến.

Tại tỉnh Lâm Đồng, theo ông Huỳnh Quang Long, Phó GĐ Sở GD-ĐT tỉnh cho biết hiện có 17 điểm trường cấp tiểu học của tỉnh không có nhà vệ sinh (chủ yếu ở các huyện vùng sâu vùng xa), 40 điểm trường nhà vệ sinh đã quá xuống cấp.

Tại Vĩnh Phúc, mới đây trong một phóng sự của VTV, Trường TH thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường là trường chuẩn quốc gia cấp độ 2 với 800 học sinh bán trú, theo quy định cứ 100-200 học sinh/ca học/1 hố tiêu hoặc nếu mô hình bán trú hoặc nội trú phải đáp ứng 25 học sinh/hố tiêu nhưng tổng diện tích nhà vệ sinh chỉ 30m2 với 4 hố tiêu. Các hố tiêu hiện tại đều xuống cấp, hẹp bẩn và luôn nồng nặc mùi khai.

{keywords}
Hình ảnh nhà vệ sinh xuống cấp, nước lênh láng ở một trường tiểu học tại Bình Dương. (Ảnh: Lê Văn Hiệp).

Thiếu tiền hay thiếu quyết tâm?

Tại tỉnh Bình Dương, theo ông Lê Nhật Nam-Phó GĐ Sở GD-ĐT tỉnh do tốc độ tăng dân số cơ học do lao động nhập cư tại các khu công nghiệp, có nơi cao bất ngờ khiến kế hoạch xây dựng trường học phải điều chỉnh liên tục, chuyện các công trình phụ như nhà vệ sinh còn thiếu và yếu cũng là dễ hiểu.

Lý do chính được đưa ra cho thực trạng này là việc thiếu ngân sách, thiếu nhân lực có chuyên môn để vận hành nhà vệ sinh đúng chuẩn khiến cho nỗ lực trong việc cải tạo nhà vệ sinh của chính phủ và các cấp ngành chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

{keywords}
Vì nhiều lí do mà nhà vệ sinh ở trường học hiện chưa được quan tâm đúng mức. (Ảnh: Lê Văn Hiệp).

Song có trường dù nguồn kinh phí có nhưng sự quan tâm đến nhà vệ sinh lại là một vấn đề khác. Tại Vĩnh Phúc, theo VTV, Trường TH thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường, đã thu một khoản kinh phí vệ sinh/học sinh nhưng tình trạng học trò đi học phải nhịn tiểu tiện về nhà vẫn được phụ huynh phản ánh.

Còn tại Hòa Bình, thậm chí Trường TH Kim Đồng còn không có nhà vệ sinh khiến học trò khốn khổ. Nhưng chỉ ít ngày sau khi thông tin được phản ánh trên VTV, trường đã có nguồn vốn là ngân sách chi cho các hoạt động thường xuyên để dựng những phòng vệ sinh dù còn sơ sài nhưng phần nào khiến nỗi khổ của các học trò đã bớt đi.

Theo báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) dù nhiều chương trình quốc gia cũng đã được thực hiện nhằm  xóa bỏ “cầu cá”, “cầu tõm”, “hầm phân”,… tại các vùng nông thôn Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau như vận động xây dựng và tặng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, nhà vệ sinh tự hoại tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao. Ví dụ, một số chương trình chỉ chú trọng xây dựng nhà vệ sinh, phần kiến trúc thì không quan tâm và ngược lại dẫn đến sự thiếu bền vững trong triển khai. 

Nhận thức được tầm quan trọng của nhà vệ sinh văn minh, sạch đẹp (nhà vệ sinh thông minh), UBND tỉnh Bình Dương đã cho phép đại diện WTO tại Việt Nam thành lập và triển khai đề án “cải tạo nâng cấp nhà vệ sinh trường học, bệnh viện, khu tập thể công nhân, nơi công cộng đạt chuẩn quốc tế”. Bình Dương là địa phương đầu tiên trên toàn quốc thực hiện thí điểm đề án này.

Đại diện WTO- ông Lê Văn Hiệp tin tưởng cho biết: "Sắp tới, WTO sẽ hỗ trợ phối hợp cùng WTO Việt Nam thực hiện đề án “Cải tạo nâng cấp nhà vệ sinh trường học, nơi công cộng đạt chuẩn quốc tế” trêm toàn lãnh thổ Việt Nam bằng nguồn vốn từ các dự án quốc tế và nguồn vốn xã hội hóa. Khó khăn dù biết rất nhiều nhưng chúng tôi tin với quyết tâm và tấm lòng vì học sinh “cuộc cách mạng” này sẽ thành công".

  • Văn Chung