Các chủ nhân của giải Nobel Hóa học năm nay là John B. Goodenough thuộc Đại học Texas (Mỹ), M. Stanley Whittingham đến từ Đại học Binghamton (Mỹ) và Akira Yoshino thuộc Đại học Meijo (Nhật).

{keywords}
 

Trong thông điệp đăng tải trên Twitter chiều nay, 9/10, Ủy ban Nobel nhấn mạnh: "Pin lithium-ion đã tạo nên cuộc cách mạng trong cuộc sống của chúng ta và hiện được sử dụng trong hầu hết mọi thứ, từ điện thoại di động đến máy tính xách tay và xe điện. Thông qua công trình của mình, các tác giả đoạt giải Nobel Hóa học năm nay đã tạo nền móng cho một xã hội không nhiên liệu hóa thạch, không dây".

CNN dẫn tuyên bố của Ủy ban Nobel cho hay, nhà nghiên cứu người Anh Whittingham sáng chế thành công mẫu pin lithium hoạt động được đầu tiên vào những năm 1970. Nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Đức Goodenough sau đó đã phát triển làm tăng gấp đôi tính năng của pin này.

Nhà nghiên cứu Nhật Yoshino tiếp đó đã loại bỏ lithium tinh khiết, phát triển pin hoàn toàn từ các ion lithium. Việc này tạo ra các viên pin an toàn hơn và có thể dùng cho các ứng dụng phục vụ cuộc sống của con người.

Công nghệ pin lithium-ion nhìn chung có các ưu điểm lớn là có thể sạc đi sạc lại nhiều lần, mật độ năng lượng lớn kể cả trên kích thước pin nhỏ, giữ năng lượng lâu và thân thiện với môi trường hơn so với các công nghệ cũ.

Nobel Hóa học là giải thứ ba được công bố trong mùa giải Nobel 2019. Năm nay, mỗi giải thưởng Nobel sẽ được nhận 9 triệu kronor (hơn 21 tỷ đồng) tiền thưởng. Do được đồng trao giải, ba nhà khoa học Goodenough, Whittingham và Yoshino sẽ chia nhau số tiền thưởng này.

Tuấn Anh