Ngân hàng lại lo nợ xấu
Dịch Covid-19 bùng phát lần 4 khiến nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng cao trở lại. Theo báo cáo tài chính quý 3/2021 của 27 ngân hàng đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, số dư nợ xấu đã tăng lên 113.006 tỷ đồng vào thời điểm 30/9/2021, cao hơn 26% so với đầu năm.
Chất lượng nợ vay của tất cả các ngân hàng đều đi lùi. Với 3 ngân hàng thương mại lớn có vốn Nhà nước, gồm Vietcombank (Ngoại thương Việt Nam), VietinBank (Công thương Việt Nam) và BIDV (Đầu tư và Phát triển Việt Nam) tổng nợ xấu nội bảng vào cuối tháng 9/2021 tăng 40%, lên hơn 50.400 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Với các ngân hàng thương mại cổ phần cũng tương tự. Chẳng hạn như tại LienVietPostBank (Bưu điện Liện Việt), nợ xấu tăng 10% so với đầu năm, lên xấp xỉ 2.700 tỷ đồng. Tại Techcombank (Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam), con số này cũng tăng 41% so với đầu năm, lên mốc 1.820 tỷ đồng,... Các ngân hàng đều cho biết, nhóm nợ dưới chuẩn, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh nhất.
DN khó khăn, nợ xấu lại tăng. |
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, việc Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế. Nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng, nhất là tác động của đợt dịch lần thứ 4 này, có thể sẽ gia tăng nhanh.
Tới nay, hệ thống ngân hàng đã cơ cấu khoảng 600.000 tỷ đồng dư nợ. Tuy nhiên, con số này vẫn chỉ ở giai đoạn đầu và sẽ còn tăng mạnh, bởi trên thực tế có 3 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các ngân hàng lại phải tiếp tục xem xét cho vay mới, trên nền tảng nợ đã được cơ cấu mà bản chất là nợ xấu. Trong bối cảnh DN vẫn gặp nhiều khó khăn, khi vừa phải chống dịch vừa sản xuất, sẽ kéo ngành ngân hàng gặp khó và nợ xấu có thể tăng trong thời gian tới, ông Hùng nhận định.
Trong khi đó, ông Lê Trung Kiên, đại diện Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, phân tích, qua quá trình xử lý, nợ xấu đã giảm từ 1,99% vào cuối năm 2017 xuống còn 1,63% vào cuối năm 2019. Nhưng đến năm 2020, con số này tăng lên 1,69% và đến cuối tháng 9 năm nay là 1,9%. Từ đó có thể thấy tác động ghê gớm của đại dịch tới các tổ chức tín dụng.
Theo các ngân hàng, việc xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian giãn cách xã hội, việc tương tác với khách hàng gặp rất nhiều trở ngại. Nhiều khách hàng từ chối gặp gỡ, trong khi việc trao đổi qua qua email, điện thoại,... không hiệu quả. Khi đó, các cơ quan chức năng đều tập trung cho công tác phòng chống dịch nên hỗ trợ cho các ngân hàng bị hạn chế. Hiện nay, mọi hoạt động đã trở lại bình thường, nhưng nhiều DN vẫn bị gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ. Tốc độ thu nợ đang chậm lại, thậm chí bán đấu giá tài sản đảm bảo một số khoản nợ xấu thành công rồi, người mua bình thường có thể trả ngay, nhưng cũng xin giãn.
Theo ước tính của các chuyên gia, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng có thể tăng lên 3% vào cuối năm nay và ước tính có thể lên tới 4,5% trong năm tới. Cuộc chiến chống Covid-19 xác định sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường. Các DN vẫn đứng trước nguy cơ phá sản, đóng cửa, nhất là sau tháng 6/2022, do đứt gãy dòng tiền.
Trong bối cảnh nợ xấu cũ xử lý chưa xong, nợ xấu mới đã gia tăng, sẽ dẫn đến sự nguy hiểm cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nợ xấu vẫn chưa đáng ngại. Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam đánh giá, ước tính nợ xấu toàn phần (bao gồm cả các khoản nợ có khả năng tái cơ cấu) đạt khoảng 7,8% vào cuối năm 2021. Mức độ tăng của nợ xấu, theo CTCK trên, là hợp lý và có thể kiểm soát được. Do nợ xấu của các ngân hàng trước đại dịch tương đối thấp; ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng rủi ro và nền kinh tế đang dần phục hồi, nhiều khoản vay sẽ quay trở lại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn. Vì vậy, nợ xấu sẽ không gây ra rủi ro có hệ thống, cho hoạt động của các ngân hàng.
Cần thúc đẩy thị trường mua, bán nợ... |
Nhiều vướng mắc khó xử lý
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, sau hơn 4 năm đi vào thực tiễn, đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Các tổ chức tín dụng được phép chủ động quyết định biện pháp xử lý khoản nợ, có thể bán nợ, thu giữ tài sản cho dù có hay không có sự đồng ý của bên vay.
Đây là hành lang pháp lý hỗ trợ rất lớn cho công tác xử lý nợ, là cơ sở để các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, rút ngắn thời gian xử lý nợ, tiết giảm chi phí.
Tuy nhiên, việc xử lý nợ vẫn gặp nhiều vướng mắc. Vẫn còn lấn cấn trong việc công khai thông tin khoản nợ cho bên mua, bán nợ dưới giá trị ghi sổ; chưa có cơ chế ràng buộc cho bên mua nợ với khách hàng và hướng dẫn về xác định giá bán nợ. Đây là vấn đề gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng thời gian qua. Cùng với đó là những vướng mắc về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn tại tòa án, quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm...
Thay mặt các ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị cơ quan Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, để giải quyết các nghiệp vụ xử lý nợ, tăng cường các hoạt động trực tuyến, tránh tình trạng đình trệ tiếp nhận hồ sơ giải quyết và tạo lập, thúc đẩy thị trường mua, bán nợ...
Nghị quyết 42 chỉ còn gần một năm nữa là hết hiệu lực, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng sắp tới là rất lớn; kiến nghị Chính phủ, Quốc hội kéo dài thêm thời gian.
Còn luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, tốt nhất là có đánh giá toàn diện xem những điểm tốt và không tốt, để bổ sung sửa đổi và nâng lên thành luật, áp dụng cho đến khi nào hệ thống toà án thực sự giải quyết được một cách nhanh chóng yêu cầu đòi nợ của ngân hàng.
Trần Thủy
Ngân hàng 'toát mồ hôi' rao bán nợ, chỉ mong thu hồi đủ gốc
BIDV rao bán nợ lần thứ 9 liên quan tới người sáng lập thương hiệu thời trang NEM. Nếu bán thành công ở mức giá 257 tỷ đồng, BIDV cũng chỉ thu hồi được nợ gốc, bằng một nửa giá trị khoản nợ.