Kể từ ngày 22/6, thành phố Hà Nội bắt đầu nới lỏng một số dịch vụ kinh doanh, kích cầu kinh tế thành phố sau làn sóng dịch Covid-19 thứ tư.
Nhận thấy tình hình dịch bệnh chuyển biến tích cực, hoạt động trên các diễn đàn, hội nhóm tìm kiếm homestay, biệt thự nghỉ dưỡng gần Hà Nội bỗng “rôm rả” hơn. Thậm chí, muốn tìm được một căn biệt thự riêng biệt ưng ý, nhiều người phải đặt trước cả tuần.
Tuy nhiên, lợi dụng nhu cầu tăng vọt sau chỉ thị nới lỏng giãn cách của UBND thành phố và số lượng homestay, biệt thự nghỉ dưỡng có giới hạn, chiêu trò lừa đảo mới dần xuất hiện. Các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội này thường núp bóng nghề sales, cộng tác viên du lịch để trục lợi bất chính.
Những ngày gần đây, các bài đăng phản ánh tình trạng lừa đảo tiền cọc các căn hộ homestay trên mạng xã hội xuất hiện với tần suất cao. Ảnh: Chụp màn hình. |
Tâm lý nóng vội
Những thông báo “hết phòng”, “hết villa” vào một số ngày cụ thể của các homestay, biệt thự nghỉ dưỡng... thời gian gần đây càng thúc giục du khách có nhu cầu phải đặt thật nhanh, thật sớm để được du lịch.
Nắm được tâm lý này, nhiều đối tượng lôi kéo khách hàng đặt cọc tiền phòng trước "kẻo hết phòng, hết biệt thự" rồi biến mất.
Sau nhiều ngày không tìm được căn homestay phù hợp, chị H. được một người tự xưng là sales du lịch liên hệ, cung cấp danh sách căn villa còn trống, tương ứng với thời gian chị cần. “Lúc đó, tôi thấy may mắn vì tự nhiên tìm được chỗ cho cả nhà đi chơi cuối tuần sau nhiều ngày bí bách”, chị bộc bạch.
Khi được yêu cầu cọc 50% tiền phòng, chị H. không ngần ngại làm theo. Ngay sau khi giao dịch chuyển khoản thành công, chị không thể liên lạc với người tự xưng là sales đó nữa.
Đối tượng lừa đảo lợi dụng sơ hở, lòng tin của du khách cùng những lời nói ngon ngọt, dụ dỗi người thuê nhanh chóng cọc tiền. Ảnh: NVCC. |
“Người bán cho tôi mọi thông tin về căn villa như hình ảnh, số phòng và số điện thoại chủ nhà. Tôi cũng tìm hiểu trên facebook, thấy người này nhận được nhiều phản hồi khi bán gói du lịch nên tin tưởng”, chị H. ngậm ngùi nói.
Chia sẻ với Zing, chị Quyên Bùi tâm sự: “Các cháu nhỏ trong nhà được nghỉ hè mà lại phải ở nhà vì dịch Covid-19 suốt. Do vậy, tôi tranh thủ mấy ngày Hà Nội nới lỏng giãn cách để đưa gia đình đi xa vài hôm. Vì tìm được homestay lúc này là rất khó nên mới 'cố đấm ăn xôi' đặt cọc. Tôi không hề nghĩ mình bị lừa”.
Với 2 lần giao dịch chuyển khoản cọc, tổng số tiền chị Quyên Bùi mất vào tay kẻ lừa đảo 4 triệu đồng.
Ban đầu, đối tượng lừa đảo chỉ yêu cầu chị đặt cọc 50% tiền phòng. Nhận thấy chị Quyên tin tưởng mình, đối tượng nâng mức cọc lên 100% với lý do “bên homestay yêu cầu vì quá đông khách chứ cũng không muốn”. Dù trong lòng có chút nghi ngờ, chị Quyên vẫn chuyển khoản 100% tiền cọc.
“Mình cũng nghi ngờ nhưng vì đối tượng đó thuyết phục quá lọt tai nên vẫn tin tưởng. Thêm nữa, trước đó đã lỡ gửi 50% rồi, giờ phải gửi thêm chứ biết phải làm sao”, chị kể.
Mánh khóe lừa đảo tinh vi
Không chỉ cung cấp những thông tin cơ bản để tạo lòng tin, các đối tượng lừa đảo sẵn sàng gửi ảnh chụp CMND, giấy tờ xe làm tin với khách hàng. Tuy nhiên, chỉ sau khi biết mình bị lừa, nạn nhân mới tìm được thông tin giấy tờ đối tượng lừa đảo cung cấp xuất hiện tràn lan trên công cụ tìm kiếm Google hoặc đã qua phần mềm chỉnh sửa.
Tinh vi hơn, các đối tượng lừa đảo thậm chí gửi thêm hình chụp card visit cơ sở bán gói du lịch của mình. Có người còn gọi video call cho khách hàng biết mặt để lấy lòng tin tuyệt đối.
“Họ tư vấn rồi gửi cả hình CMND làm tin, thậm chí còn bảo tôi gọi điện để biết mặt. Tôi cũng không mảy may vấn đề CMND giả hay thật nên cứ gửi 500.000 đồng tiền cọc phòng. Chỉ đến khi không nhận được email xác nhận nào từ phía homestay, tôi tìm lại người bán gói du lịch thì tá hỏa khi chị ta đã chặn mình từ lâu”, anh Quân, một nạn nhân khác, chia sẻ với Zing.
Bên cạnh việc tìm cách lấy lòng tin, nhiều đối tượng “lừa đảo homestay” cũng đưa ra những mức giá thuê ưu đãi đến “giật mình”, đánh vào tâm lý ham rẻ của khách hàng.
“Người bán nói bên villa tặng ưu đãi giá độc quyền cho họ. Tôi thấy giá đặt qua sales còn rẻ hơn đặt qua fanpage của villa tới vài trăm nghìn nên hào hứng đặt ngay. Kết quả là bị lừa 500.000 đồng”, anh Thái H. cho hay.
"Mong mọi người đừng ham rẻ mà nhận lại bài học quá đắt. Của rẻ đúng là của ôi đấy", tài khoản T.M.T bình luận.
Trò chuyện với Zing, anh Vinh - chủ 2 căn homestay tại Ba Vì (Hà Nội) - cho biết tình trạng lừa đảo tiền cọc đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số người “sập bẫy” đang tỷ lệ thuận với nhu cầu du lịch quanh Hà Nội của người dân.
“Khách du lịch cần tỉnh táo, ‘chọn mặt gửi vàng’, không nên nghe lời thúc giục mà nóng vội đặt cọc. Hãy tìm đến các fanpage chính thống, có định vị, thông tin rõ ràng hoặc sử dụng ứng dụng đặt phòng trực tuyến uy tín”, anh Vinh nhấn mạnh.
(Theo Zing)
Dịch bệnh dai dẳng, chủ homestay lỗ tiền tỷ 'đứt ruột' bán tháo 75% căn hộ
Dịch bệnh kéo dài mãi khiến cho chủ các homestay tại Hà Nội không còn trụ được. Không ít người đã phải thanh lý lại các căn hộ cùng nội thất để thoi thóp duy trì tiếp.