Ông Khang - hiệu trưởng ở Hà Nội, nhận định, việc nở rộ các kỳ thi là do “có cầu ắt có cung”. Nhiều trường “vì thành tích mà thầy trò phải cố”.
Trong những năm học qua, ông Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội), cho biết lãnh đạo nhà trường nhận được rất nhiều email, cuộc gọi từ các đơn vị tư nhân nhằm thuyết phục trường vận động học sinh tham gia các cuộc thi liên quan đến Tiếng Anh, Toán học, Khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, hầu hết ông đều từ chối.
Việc nở rộ các cuộc thi, theo ông Cường là một thực tế khiến học sinh cảm thấy “bội thực” nếu nhà trường không có sự định hướng, chọn lọc các sân chơi.
Về mặt tích cực, vị hiệu trưởng này cho rằng khi học sinh tham gia các cuộc thi chất lượng, đây sẽ là sân chơi bổ ích, giúp các em có cơ hội thử thách kiến thức, kỹ năng mình đã học được trong nhà trường. Tuy nhiên, nếu liên tục phải tham gia các cuộc thi, học sinh sẽ không thể tập trung học trên trường, từ đó làm ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Vì thế, trước khi giới thiệu các cuộc thi đến học sinh và phụ huynh, nhà trường phải nghiên cứu, thẩm định kỹ càng dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm uy tín cuộc thi, cách thức tổ chức các cuộc thi trước đó, chất lượng đề thay vì triển khai ồ ạt.
“Chúng tôi luôn ủng hộ các sân chơi lành mạnh, chất lượng. Tuy nhiên thực tế, có khá nhiều cuộc thi online, nhà trường không thể giới thiệu đến học sinh bởi bản chất của các cuộc thi này là không có người giám sát; người bên ngoài hoàn toàn có thể hỗ trợ. Như thế, chất lượng cuộc thi sẽ không đảm bảo”.
Về việc thẩm định, đánh giá các yếu tố, ông Cường cho biết cách đây 5 năm, Trường THCS Thái Thịnh có chủ trương về việc hội nhập quốc tế. Vì thế trong chiến lược của nhà trường, đội ngũ giáo viên sẽ được bồi dưỡng để có thể dạy Toán bằng tiếng Anh, sẵn sàng cho học sinh tham gia các kỳ thi, sân chơi về Toán và Khoa học quốc tế.
Đội ngũ giáo viên này cũng sẽ trực tiếp bồi dưỡng, ôn tập cho học sinh miễn phí thay vì mời các chuyên gia từ bên ngoài.
Qua thể thức cuộc thi và đề thi mẫu, các giáo viên sẽ đánh giá được cách thức tổ chức, chất lượng đề. Trên cơ sở đề xuất của các thầy cô giáo có chuyên môn (không có yếu tố vụ lợi), nhà trường sẽ giới thiệu, cho học sinh lựa chọn tự nguyện, không áp đặt.
Khi học sinh tự nguyện tham gia, nhà trường cũng sẽ giới thiệu công khai về lộ trình, số vòng thi, vòng nào miễn phí, vòng nào phải đóng phí để phụ huynh cân nhắc. Phụ huynh trực tiếp đăng ký, nhà trường không vận động, cũng thu tiền.
“Chưa bao giờ phụ huynh của chúng tôi cảm thấy bị ép buộc khi cho con tham gia các cuộc thi này. Thậm chí, có một số phụ huynh “đổ xô” cho con tham gia quá nhiều kỳ thi, thầy cô còn phải tư vấn xem có phù hợp và có ích hay không”.
Nhờ có sự chọn lọc kỹ càng dựa trên các tiêu chí, ông Cường cho biết, các học sinh khi tham gia vào những cuộc thi do trường giới thiệu, càng vào vòng trong, đó đều là những học sinh thực sự chất lượng.
“Đối với các cuộc thi uy tín và học sinh đạt giải, nhà trường cũng sẽ vinh danh học sinh ở chừng mực nhất định, không tô vẽ, thổi phồng các em thành nhân tài.
Chúng tôi luôn mong rằng với những trải nghiệm cọ xát ở các cuộc thi như vậy, khi theo các bậc học cao hơn, các em sẽ có đủ kỹ năng tham gia các kỳ thi đánh giá mang tính chuẩn thế giới, chẳng hạn như SAT, để phục vụ và làm bước đệm xét tuyển vào các trường đại học trong nước và quốc tế”, ông Cường nói.
Hiệu trưởng Trường Marie Curie, ông Nguyễn Xuân Khang, cũng chia sẻ hiện nay, ngoài các cuộc thi của ngành giáo dục còn có rất nhiều cuộc thi "quốc tế" do các công ty tư nhân trong lĩnh vực giáo dục đứng lên tổ chức. Giải thưởng của các kỳ thi này cũng khác nhau về giá trị, thông thường nhiều giải sẽ có giá trị thấp, ít giải giá trị sẽ cao hơn.
Theo ông Khang, hàng năm, nhiều công ty cổ phần giáo dục cũng mong muốn trường quảng bá thông tin về cuộc thi tới phụ huynh và học sinh. Là một trường tư thục, trường không áp lực thi đua thành tích, vì thế cũng không bao giờ ép buộc học sinh phải tham gia.
“Việc tham gia các cuộc thi chủ yếu là do học sinh, phụ huynh tự chọn và tự nguyện đăng ký tham gia. Tâm lý của học sinh và phụ huynh phổ biến là “thử sức”. Nhà trường không thúc ép học sinh đi thi, nhất là các cuộc thi có tính chất dịch vụ”.
Ông Khang nhận định, việc nở rộ các kỳ thi là do “có cầu ắt có cung”. Nhiều trường “vì thành tích mà thầy trò phải cố”. Theo vị hiệu trưởng này, các nhà trường chỉ nên chắt lọc, lựa chọn các cuộc thi uy tín, đảm bảo tính khách quan, trung thực và công bằng để giới thiệu cho phụ huynh, học sinh tham gia.
Tại một sự kiện của Bộ GD-ĐT vừa qua, cô Lương Thị Thuận Ánh, giáo viên Trường THCS Thị trấn Trần Văn Thời (Cà Mau), thẳng thắn chia sẻ hiện một số cuộc thi được tổ chức trong các nhà trường còn mang tính hình thức, nặng bệnh thành tích, máy móc, gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc và vất vả cho cả thầy lẫn trò.
Để các cuộc thi được tổ chức hiệu quả, cô Ánh kiến nghị cần rà soát, sắp xếp lại các cuộc thi, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, chi tiết, thời gian và thời lượng cuộc thi phù hợp để giáo viên và học sinh có khả năng đầu tư tham gia, không ảnh hưởng đến chuyên môn dạy và học.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, những cuộc thi do Bộ tổ chức đã có danh mục cụ thể, ban hành thống nhất trên cả nước, các cơ sở giáo dục cần phải tham gia. Đối với các cuộc thi khác do địa phương, bộ ngành tổ chức, nếu không bắt buộc thì giáo viên, trường học có thể lựa chọn. Các địa phương cũng cần có ý kiến sao cho không chồng chéo các cuộc thi, gây khổ sở cho các giáo viên và học sinh
Trước những ý kiến liên quan đến các cuộc thi của Bộ, Bộ trưởng cho biết cần có đánh giá về tính hữu ích, hiệu quả. Cuộc thi nào ít hiệu quả, ít ý nghĩa, xu hướng sẽ kiên quyết tinh gọn, giảm bớt”.