Sau khi trở thành tâm điểm chú ý của mạng xã hội, TikToker Nờ Ô Nô đã liên tiếp phải gánh chịu nhiều hậu quả từ những hành động và lời nói thiếu suy nghĩ của mình.
Trước làn sóng tẩy chay của người dùng mạng xã hội, TikTok Việt Nam đã có động thái khóa tài khoản của người dùng @tuanbrice (Nờ Ô Nô) vĩnh viễn.
Thanh tra Sở TT&TT TP.HCM sau đó cũng đã có buổi làm việc và lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Phạm Đức Tuấn (hay Nờ Ô Nô) về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”. Nờ Ô Nô sau đó đã bị xử phạt hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng.
Sau khi bị khóa tài khoản @tuanbrice, Nờ Ô Nô sau đó đã lập một kênh TikTok mới ở địa chỉ @tuanbrrice99. Lượng người theo dõi TikToker này trên kênh mới hiện chỉ khoảng 60.000 người, giảm tới 90% so với kênh TikTok cũ.
Chia sẻ với VietNamNet về những thiệt hại của Nờ Ô Nô, Ngô Đức Duy (Duy Thẩm) - TikToker nổi tiếng với hơn 1 triệu lượt follow cho biết, việc Phạm Đức Tuấn bị chính nền tảng quay lưng, khóa tài khoản không khác gì một người đang đi làm ổn định thì bị công ty cho nghỉ việc. Đáng buồn hơn là sự cố này lại đến từ một lý do rất tiêu cực.
Theo Ngô Đức Duy, việc mất kênh, mất hình ảnh, thậm chí là cả thương hiệu cá nhân sau nhiều năm xây dựng giờ đây bị gắn với tiếng xấu gần như là việc tệ nhất có thể xảy ra đối với một người làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội.
Hậu quả của sự việc này rất rõ ràng, dù Nờ Ô Nô có làm nội dung gì trong tương lai cũng rất khó để có được sự ủng hộ từ khán giả. Nờ Ô Nô sẽ bị quay lưng bởi cả khán giả lẫn các nhãn hàng.
Đối với những thiệt hại về mặt tài chính, Duy Thẩm cho rằng, điều này rất khó ước lượng vì giá “booking” (đặt mua quảng cáo) của các kênh là khác nhau. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là Tuấn sẽ bị thiệt hại tương đối về tài chính, bởi trước đó TikToker này có lượng “booking” đến từ các quán ăn khá nhiều và liên tục.
“Vụ việc trên là một bài học cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ, để từ đó biết đâu là giới hạn và điểm dừng. Không nên chỉ vì câu view nhất thời mà đánh đổi cả sự nghiệp”, Duy nói.
Đồng quan điểm với Duy Thẩm, YouTuber Lê Công Minh Khôi (Khôi Ngọng) cho biết, TikTok Việt Nam hiện chưa trả tiền theo view như YouTube. Người làm nội dung trên TikTok sẽ có nguồn thu nhập chính đến từ hoa hồng bán sản phẩm trên TikTok Shop, cộng với việc nhận “booking” quảng cáo.
“TikTok Shop hiện có chiết khấu hoa hồng khá cao, từ 10-20%. Nếu bán được một đơn hàng có giá trị 100.000 đồng, người làm nội dung có thể được nền tảng chia cho mức hoa hồng từ 10.000 - 20.000 đồng”, Khôi chia sẻ.
Theo Lê Công Minh Khôi, ở thời kỳ cao điểm, người làm nội dung trên TikTok có thể kiếm được 1 đơn hàng với mỗi 1.000 lượt xem video. Tuy nhiên hiện nay tỷ lệ tạo đơn hàng không được cao như vậy.
Với trường hợp của Nờ Ô Nô, theo Khôi, nguồn thu chính của TikToker này sẽ không đến từ TikTok Shop mà xuất phát từ việc nhận quảng cáo cho các cửa hàng.
Sau làn sóng tẩy chay, dòng tiền của Nờ Ô Nô sẽ đứt gãy, bởi rất khó làm việc, hợp tác với các thương hiệu, nhãn hàng. Đây là hậu quả mà Phạm Đức Tuấn phải gánh chịu khi thường xuyên chia sẻ các nội dung "bẩn" trên mạng xã hội.