Tối 1/4, clip và bức thư tuyệt mệnh lan truyền khắp mạng xã hội cùng hàng loạt thông tin chưa được xác thực về cái chết do tự tử của một nam sinh lớp 10 tại Hà Nội.
Những dòng chia sẻ đau xót, trách móc cho đến lời cảnh báo về nội dung video có thể gây khó chịu, ám ảnh đã kích thích nhiều người nhấn nút play, thậm chí chia sẻ lên trang cá nhân hoặc gửi tin nhắn cho người thân, bạn bè.
Hiện Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã gửi văn bản yêu cầu các nền tảng mạng xã hội và trang tin điện tử gỡ clip, thư tuyệt mệnh để bảo vệ quyền trẻ em cũng như quyền riêng tư của gia đình nạn nhân. Cơ quan chức năng cũng cho biết đang truy tìm người phát tán clip.
Đây không phải lần đầu tiên các hình ảnh phản cảm, thông tin thiếu kiểm chứng về một vụ tử tự lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Nhiều nước có quy định nghiêm ngặt, các nền tảng mạng xã hội cũng đưa ra những chính sách riêng để ngăn chặn nội dung này vì hệ lụy khôn lường của nó.
Một số nước có quy định nhằm ngăn chặn sự lan truyền của các video tự tử. Ảnh: iStock. |
Khả năng "lây lan"
Đầu năm 2019, Quốc hội Australia đã thông qua đạo luật nghiêm cấm các video bạo lực trên mạng xã hội, bất chấp phản ứng dữ dội từ ngành công nghệ, các công ty truyền thông và chuyên gia pháp lý.
Christian Porter, người khi đó là bộ trưởng Tư pháp Australia, nói: "Facebook và Twitter không nên chiếu cảnh giết người, giống như cách mà các đài truyền hình thương mại đã làm. Những nền tảng như YouTube, Twitter và Facebook dường như không nhận trách nhiệm của mình trong việc hiển thị các tài liệu mô tả bạo lực ghê tởm nhất".
Luật này có thể hình sự hóa hành vi cung cấp, chia sẻ các video mô tả hành động khủng bố, giết người, cố gắng giết người, tra tấn, hãm hiếp, bắt cóc, tự tử. Các nền tảng cũng sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu không kịp thời xóa bỏ video vi phạm.
New Zealand cũng có những quy định rõ ràng về việc báo cáo các vụ tự tử. Một người thậm chí không thể chia sẻ thông tin một cái chết là vụ tự sát nếu không có sự cho phép của nhân viên điều tra.
Lan truyền, chia sẻ video tự tử là hành động phản cảm. Ảnh: Eylul Aslan. |
Sau cái chết của Molly Russell, nữ sinh 14 tuổi tự tử vào cuối năm 2017 sau khi xem các clip độc hại trên mạng xã hội, Bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Anh đã đề xuất thay đổi luật nhằm buộc các công ty truyền thông xã hội phải xóa nội dung bất hợp pháp và ký quy tắc ứng xử bảo vệ người dùng dễ bị tổn thương.
"Cái chết thương tâm của Molly Russell là hậu quả của việc thế giới mạng xã hội cư xử bất chấp luật pháp. Có quá nhiều bắt nạt, lạm dụng, thông tin sai lệch cũng như tội phạm nghiêm trọng, có tổ chức trên mạng", cựu Bộ trưởng Margot James nói vào thời điểm đó.
Theo Craig Bryan, nhà tâm lý học lâm sàng tại Trung tâm Y tế Wexner của Đại học Bang Ohio (Mỹ), phản ứng của một người khi chứng kiến một vụ tự tử hay xem clip liên quan phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả trạng thái tinh thần của họ ở thời điểm đó.
Hầu hết người nhìn thấy vụ việc đều có thể gặp phải một số tác động, nhưng nó thường không ảnh hưởng về lâu dài. Ông Bryan nói ngay sau khi chứng kiến ai đó bị thương hoặc chết, rất nhiều người sẽ cảm thấy bất an, đó là một phản ứng tự nhiên.
"Chúng ta sẽ mất ngủ, cảm thấy lo lắng và bị làm phiền bởi điều đó. Nhưng thông thường trong vài tuần, khoảng 85% đến 90% mọi người sẽ ổn định trở lại. Khả năng phục hồi là quy luật".
Tuy nhiên, không phải tất cả đều dễ dàng vượt qua. "Có 10% những người xem clip có thể bị ảnh hưởng lâu dài".
Một trong những mối lo ngại lớn nhất về tự tử là khả năng "lây lan". Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tưởng niệm một người chết vì tự tử có thể dẫn đến hiệu ứng lây lan, nơi những người vốn đã có suy nghĩ tự tử sẽ sẵn sàng hành động.
Trên mạng xã hội, sự lan truyền chóng mặt của một vụ tự tử được coi là kiểu tưởng niệm độc hại.
"Việc xem clip trên mạng cho phép mọi người tua lại, kiểm tra, ghi nhớ các chi tiết. Điều này thực sự nguy hại, gây ám ảnh về lâu về dài", nhà tâm lý học lâm sàng David Rudd nhận định.
Tưởng niệm một người chết vì tự tử có thể dẫn đến hiệu ứng lây lan. Ảnh: Getty. |
Trách nhiệm của các nền tảng
Đầu năm 2018, vlogger Logan Paul đã bị YouTube trừng phạt sau khi chia sẻ clip quay một người tự tử ở Nhật Bản.
Các kênh của Paul bị xóa khỏi chương trình Google Preferred của YouTube, nơi các thương hiệu bán quảng cáo cho 5% người sáng tạo nội dung hàng đầu của nền tảng. YouTube cũng cho biết họ đã tạm dừng các dự án hợp tác với vlogger người Mỹ.
Đây là một trong những trường hợp chia sẻ video tự tử phản cảm đầu tiên bị YouTube xử lý. Tuy nhiên, phản ứng chậm trễ của nền tảng này vẫn khiến nhiều người thất vọng.
YouTube đã mất 10 ngày để phản hồi về cuộc tranh cãi. Video do chính Paul xóa bỏ sau khi bị chỉ trích cũng khiến một số người cho rằng nền tảng phải xử lý một cách quyết đoán hơn.
Logan Paul bị chỉ trích vì đăng clip một người tự tử trong rừng ở Nhật Bản. Ảnh: Flickr. |
YouTube, Facebook, Instagram, Twitter, TikTok và các nền tảng khác đều có quy định cấm quảng bá hoặc khuyến khích hành vi tự tử, tự làm hại bản thân.
Một số nền tảng chặn hoặc hạn chế kết quả tìm kiếm về hành vi bạo lực hoặc tự sát, trong khi những trang khác cảnh báo người dùng về việc xem nội dung liên quan đến tự tử.
Tuy nhiên, theo Jeanine Guidry, trợ lý giáo sư tại Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ), người đã nghiên cứu nội dung tự tử trên Instagram và Pinterest, ngăn chặn tìm kiếm không giúp giải quyết vấn đề.
Instagram ẩn các bài đăng với hashtag #selfharm nhưng hình ảnh tự hại bản thân vẫn xuất hiện trong kết quả tìm kiếm cho #suicide, người dùng có thể xem nếu họ bỏ qua cảnh báo tự động.
Twitter cấm truyền bá nội dung tự làm hại bản thân hoặc tự sát, nhưng vẫn sẽ cho phép những hình ảnh xuất hiện miễn là chúng được đánh dấu nhạy cảm và người dùng chấp nhận xem.
TikTok, ứng dụng chia sẻ video dạng ngắn, cũng phải vật lộn để xử lý nội dung tự tử.
Vào năm 2020, một video quay cảnh người đàn ông tự sát xuất phát từ Facebook đã lan truyền trên nền tảng này. Vụ việc là một ví dụ nổi bật về việc tài liệu, thông tin về tự tử xuất hiện trên mạng xã hội ngay cả khi người dùng không tìm kiếm nó.
Facebook cho biết họ đã gỡ bỏ mọi video liên quan đến vụ việc để bảo vệ gia đình, bạn bè nạn nhân. "Chúng tôi xóa video gốc khỏi Facebook và sử dụng công nghệ tự động hóa để xóa các bản sao, video liên quan được tải lên", Drew Pusateri, người phát ngôn của Facebook, nói với CNN.
TikTok gặp khó khăn khi truy tìm, xử lý các video vi phạm quy tắc cộng đồng. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, trước khi Facebook kịp nhận báo cáo, tìm kiếm và xóa video gốc cũng như bản sao, không ít người đã tải xuống clip. Những hình ảnh phản cảm tiếp tục sinh sôi nảy nở trên TikTok ngay sau đó.
Đại diện TikTok nói rằng nền tảng gặp khó khăn khi nhiều người dùng cố tình lách luật, vượt qua khâu kiểm soát tự động bằng cách chỉnh sửa đoạn video theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, nền tảng này kêu gọi các mạng xã hội hợp tác với nhau để tìm ra cách tốt hơn ngăn chặn nội dung tự tử đến với công chúng.
Tama Leaver, giáo sư nghiên cứu Internet tại Đại học Curtin (Australia), cho rằng vấn đề có thể phức tạp hơn nhiều nếu các mạng xã hội không thể xử lý triệt để.
"Khi các video chuyển từ nền tảng truyền thông xã hội công cộng như Facebook, Instagram, TikTok đến những dịch vụ nhắn tin riêng tư, tác động của nó sẽ lớn hơn nhiều.
Nếu bạn nhận được video từ một người mình biết và tin tưởng, thì nhiều khả năng bạn sẽ mở lên xem, thậm chí tiếp tục chia sẻ. Bạn sợ bị bỏ lỡ và đó là lý do chính khiến những điều này có thể lan truyền nhanh chóng".
(Theo Zing)
Cục An toàn thông tin sẽ mở chiến dịch “Vắc xin số” nâng cao nhận thức bảo vệ trẻ em
Đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, thời gian tới cơ quan này sẽ triển khai chiến dịch “Vắc xin số” để nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ trên môi trường mạng cho cả trẻ em, cha mẹ, giáo viên và người dùng Internet.