Chủ động tham gia vào các Công ước, nỗ lực chung mang tầm quốc tế
Việt Nam được đánh giá có mức độ đa dạng sinh học cao, nhưng cũng đang phải đối mặt với nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học đáng báo động. Việc chủ động tham gia vào các Công ước, nỗ lực chung mang tầm quốc tế có ý nghĩa trong việc ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học, cũng như hướng tới bảo tồn thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái của Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Diễn đàn Chính sách - Khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái (IPBES), 75% diện tích mặt đất bị biến đổi đáng kể, 66% diện tích đại dương đang chịu tác động tích lũy ngày càng tăng và hơn 85% diện tích đất ngập nước đã bị mất đi, làm suy giảm nhanh chóng các dịch vụ hệ sinh thái mà thiên nhiên cung cấp cho con người, 25% số loài được đánh giá đang bị đe dọa. Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới cũng không nằm ngoài xu thế này.
Báo cáo đa dạng sinh học quốc gia năm 2021 cho thấy, mặc dù những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, xu hướng suy thoái và suy giảm đa dạng sinh học được ghi nhận ở tất cả các loại hình hệ sinh thái, bao gồm: hệ sinh thái trên cạn; hệ sinh thái đất ngập nước (gồm đất ngập nước nội địa và đất ngập nước ven biển) và hệ sinh thái biển. Việc thu hẹp diện tích các hệ sinh thái tự nhiên dẫn đến suy giảm sự phong phú các loài, và giảm khả năng cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái cho con người.
Chỉ số Danh lục Đỏ (Red List Index) do IUCN đánh giá, đã cho thấy loài sinh vật của nước ta đang có xu hướng gia tăng nguy cơ tuyệt chủng với tốc độ ngày cao. Việc ngăn chặn tốc độ suy giảm đa dạng sinh học của Việt Nam, không chỉ thực hiện các mục tiêu của quốc gia, mà đóng góp vào thực hiện các mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học. Do đó, Việt Nam cũng đã thúc đẩy hợp tác với các tổ chức, các quốc gia trong khu vực và quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, triển khai nhiều chiến lược, chương trình, sáng kiến, dự án về đa dạng sinh học.
Hiện nay, Việt Nam cũng đang tham gia cùng với các nước triển khai các hành động thực hiện Khung toàn cầu về đa dạng sinh học sau 2020 (GBF), sáng kiến toàn cầu về tài chính cho đa dạng sinh học (Biofin), các chương trình hợp tác trong khu vực tiểu vùng hạ lưu Sông Mê kông, và nhiều nỗ lực hợp tác đa phương, song phương khác.
Việc tham gia và thực hiện các Công ước, các cam kết quốc tế thể hiện vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong việc cùng với cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu. Thông qua đó, chúng ta thiết lập được các mối quan hệ đối tác, huy động nguồn lực, phát huy các sáng kiến, học tập các kinh nghiệm thế giới thực hiện các nhiệm vụ, cam kết về bảo tồn đa dạng sinh học ở cấp quốc gia.
GBF đã xác định 23 mục tiêu cần đạt được đến năm 2030, với những chỉ tiêu hết sức tham vọng, đòi hỏi các quốc gia trên thế giới cần có hành động quyết liệt, thậm chí cần có những chuyển đổi căn bản để giảm tác động tới đa dạng sinh học. Bên cạnh những nỗ lực của các quốc gia, việc tạo ra các cơ chế hỗ trợ về nguồn lực cho các nước đang và kém phát triển, bao gồm cả cơ chế tài chính, chuyển giao khoa học- công nghệ và tri thức để hỗ trợ các hành động bảo tồn hết sức quan trọng.
Bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc triển khai thành công Chiến lược này sẽ đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học. Trong đó, giải pháp ưu tiên là tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng cường năng lực bảo tồn đa dạng sinh học. Hệ thống chính sách, pháp luật cần được rà soát đảm bảo tính hệ thống, thống nhất và cập nhật những yêu cầu mới nhằm thực hiện các cam kết quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Bên cạnh đó, cần chú trọng rà soát và tăng cường năng lực của các tổ chức, nhân lực làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học từ trung ương đến địa phương; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về đa dạng sinh học; thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các cán bộ làm công tác bảo tồn ở vùng sâu, vùng xa tại các khu bảo tồn thiên nhiên.
Chiến lược cũng chú trọng việc tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho các cấp, các ngành và toàn xã hội; xây dựng lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên; đẩy mạnh lồng ghép và thực hiện các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạch định chính sách, các dự án đầu tư công; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.
Một trong những vấn đề ưu tiên nữa là bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là nguồn ngân sách và xây dựng các cơ chế để huy động nguồn tài chính bổ sung nhằm đáp ứng các nhu cầu tài chính để thực hiện mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học. Mặt khác, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để huy động nguồn lực cho bảo tồn đa dạng sinh học một cách hiệu quả; đồng thời, thể hiện trách nhiệm của quốc gia đối với quốc tế.