Làm sao để an toàn trong môi trường số?
Từ giải trí, cập nhật tin tức, truyền thông hay thậm chí là chia sẻ về hoạt động thường ngày, các nền tảng số đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hàng tỷ người dùng khắp toàn cầu. Đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ ấy, việc bảo vệ an toàn mạng và thúc đẩy trải nghiệm trực tuyến cho cộng đồng trở thành nhiệm vụ quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 964/QĐ-TTg về Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), thành viên Hội đồng An toàn - TikTok Safety Council khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ tại tọa đàm TikTok Safety Summit 2024: "Đảm bảo an toàn, an ninh mạng là vấn đề rất quan trọng, đảm bảo chất lượng cuộc sống bền vững của mọi công dân, trong đó có trẻ em và thanh niên”.
Dành hơn 2-3 tiếng mỗi ngày để giải trí trên các nền tảng, anh N. Vỹ (29 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: “Với mình, một môi trường trực tuyến tích cực không chỉ là tập hợp những nội dung mình muốn xem, mà còn phải đảm bảo cả những nội dung mình nên xem. Muốn được như vậy thì mỗi người dùng cần được trang bị các công cụ cần thiết khi gặp vấn đề không đáng có trong quá trình giải trí”.
Trong khi đó, với các nhà sáng tạo nội dung, các không gian số như TikTok không đơn thuần là nơi chia sẻ sở thích cá nhân, mà còn để làm việc và kiếm thu nhập. Do đó, bên cạnh các công cụ phục vụ nhu cầu sáng tạo thì các tính năng hỗ trợ nhà sáng tạo nội dung để tương tác văn minh và an toàn với người dùng, thương hiệu và cộng đồng nói chung cũng rất cần thiết.
Việc xây dựng môi trường số an toàn đòi hỏi trách nhiệm và nỗ lực từ tất cả các bên liên quan, trong đó vai trò của nền tảng rất quan trọng trong việc kiểm soát, kiểm duyệt các nội dung, đảm bảo không gian số tích cực, đáng tin cậy cho mọi đối tượng.
Nỗ lực từ các nền tảng
Những năm gần đây, chung tay với định hướng về phát huy sự tích cực trong môi trường số, các nền tảng đã và đang liên tục cải tiến các công cụ nâng cao sự chủ động của cộng đồng trong việc kiểm soát hoạt động, cũng như nội dung, đối tượng mà họ mong muốn trải nghiệm. Là một trong những nền tảng chú trọng bảo vệ an toàn cho cộng đồng, mới đây, TikTok lần đầu tiên tổ chức TikTok Safety Summit 2024, cung cấp bộ giải pháp an toàn bao gồm các tính năng, cài đặt toàn diện nhất.
Đối với người dùng, bên cạnh các tính năng như Gia đình thông minh, Kiểm soát thời gian màn hình, Xóa hoặc chặn tài khoản, Kiểm soát tin nhắn, bình luận,... TikTok đã tiến hành cập nhật lại Tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng. Trong đó, ngoài trao quyền cho người dùng xử lý các nội dung vi phạm, phiên bản mới nhất của Tiêu chuẩn cộng đồng còn bổ sung chi tiết cách kiểm duyệt các tính năng Tìm kiếm, TikTok LIVE và Trang “Dành cho bạn”.
Cụ thể, dù đăng tải ở chế độ công khai hay riêng tư, khi nội dung được phát hiện vi phạm các quy tắc của TikTok đề ra sẽ lập tức được gỡ bỏ khỏi nền tảng. Song song đó, đội ngũ kiểm duyệt của TikTok sẽ làm việc sát sao để đảm bảo người dùng nhỏ tuổi được tiếp cận với các nội dung phù hợp. Đối với trang "Dành cho bạn", các nội dung không đáp ứng tiêu chuẩn đề xuất sẽ được loại trừ nhằm đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng.
Hiểu rõ tầm quan trọng của việc tương tác tích cực và lành mạnh, TikTok còn trang bị cho các nhà sáng tạo nội dung những tính năng thúc đẩy sự kết nối an toàn. Theo đó, lần đầu tiên TikTok cho ra mắt Bộ Quy tắc ứng xử dành cho nhà sáng tạo nội dung, tập hợp những tiêu chuẩn tăng cường, bên cạnh Tiêu chuẩn cộng đồng, hướng đến hoạt động cụ thể của các nhà sáng tạo nội dung.
Bên cạnh các công cụ đã được phát triển từ trước như Kiểm soát bình luận, Quyết định tài khoản được phép Stitch hoặc Duet,... TikTok cũng giới thiệu bộ tính năng mới nhằm tối ưu hóa hoạt động của các nhà sáng tạo trên nền tảng. Điển hình, với tính năng Nhắc nhở vi phạm lần đầu, TikTok sẽ phát cảnh báo khi người sáng tạo vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng lần đầu tiên. Hay tính năng Kiểm tài khoản (Account Check) cho phép người sáng tạo nhanh chóng kiểm tra tài khoản và 30 bài đăng gần nhất của họ.
Song song với những nỗ lực về mặt cải tiến công nghệ, TikTok đã và đang đẩy mạnh các hoạt động giáo dục và nâng cao nhận thức về an toàn số trong cộng đồng. Năm ngoái, TikTok đã phối hợp cùng Cục An toàn thông tin triển khai chiến dịch #LuaDaoTrucTuyen, góp phần lan toả kiến thức về phòng chống lừa đảo trực tuyến. Một chiến dịch nổi bật khác phải kể đến cuộc thi #AntiFakeNews do TikTok phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng báo VnExpress và FPT Online phát động. Thu về gần 130 triệu lượt xem chỉ sau 1 tháng, cuộc thi đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về nhận biết và phòng chống tin giả, tin xấu trên môi trường mạng.
Bà Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh: “Tôi tin rằng với những cam kết và đầu tư vào các sáng kiến, công cụ công nghệ, TikTok đang đi đúng hướng trong tiến trình kiến tạo cộng đồng mạng văn minh, tích cực, đóng góp vào môi trường số an toàn và bền vững tại Việt Nam".
Bích Đào