Hiện nay, tại khu vực ĐBSCL, Bộ GTVT đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng, trong đó 8/9 dự án đang thi công.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL; Thủ tướng đã 5 lần đi kiểm tra, làm việc trực tiếp với các bộ, ngành địa phương.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với việc phát triển hạ tầng chiến lược cả nước nói chung, đặc biệt là vùng ĐBCSL nói riêng.
ĐBSCL có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, song có những điểm nghẽn, hạn chế, đặc biệt là về hạ tầng, trong đó có giao thông.
Thủ tướng nhắc lại cách đây 3 tháng, ông đã cùng các lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trực tiếp kiểm tra, đánh giá tại hiện trường và tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL.
Hội nghị lần này được tổ chức để đánh giá tình hình triển khai các công việc, chỉ ra những việc đã làm tốt, rút ra các kinh nghiệm quý, bài học hay để tiếp tục làm; đồng thời, nhận diện những khó khăn, vướng mắc về nguyên vật liệu, thủ tục, vốn, giải phóng mặt bằng, triển khai trên thực địa của các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, từ đó kịp thời tháo gỡ ngay, không để trì trệ, kéo dài.
Thủ tướng yêu cầu, ngoài các dự án đường bộ, cần tiếp tục bàn các nhiệm vụ, giải pháp triển khai dự án các sân bay, bến cảng… cho vùng. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, Cà Mau phải nỗ lực hoàn thành dự án sân bay Cà Mau, máy bay cất hạ cánh được vào dịp 30/4/2025.
"Chúng ta không thể để chậm chỉ vì lý do thủ tục, trong khi nhân dân ngày đêm mong chờ, yêu cầu phát triển phải có sân bay", Thủ tướng nêu rõ.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nhìn lại sau 3 năm từ khi bắt tay nghiên cứu, triển khai các dự án cao tốc vùng ĐBSCL, kết quả bước đầu đến nay cho thấy: Chúng ta đã biến cái không thể thành có thể; từ chỉ có trong ý tưởng đến có các dự án cụ thể, hiện thực; từ không có tiền đến có đủ tiền; từ những cánh đồng lúa bát ngát đến các tuyến cao tốc hiện đại định hình rõ nét, mang lại triển vọng phát triển to lớn cho vùng ĐBSCL.
Thủ tướng nhấn mạnh, kết cấu hạ tầng chiến lược về giao thông, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của ĐBSCL. Các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tập trung quán triệt 3 quan điểm xuyên suốt là: Giao thông vận tải đi trước mở đường; chỉ bàn làm, không bàn lùi, bảo đảm đúng và vượt tiến độ; bàn để quyết chứ không bàn để đấy.
Thủ tướng chỉ rõ, khối lượng công việc trong thời gian tới của từng dự án là rất lớn; trong khi thời gian không còn dài, quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi những vướng mắc mới phát sinh.
Vì vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải hết sức khẩn trương, chủ động, linh hoạt, sáng tạo vận dụng các chủ trương, cơ chế, chính sách để tiếp tục rút ngắn thời gian, bảo đảm chất lượng các dự án.
Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2025, hoàn thành 600km đường cao tốc vùng ĐBSCL và thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc”.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư tỉnh, thành, chủ tịch UBND các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án; tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập; vượt qua khó khăn, thách thức; trong đó, chú trọng giải quyết dứt điểm 3 vấn đề tiếp tục còn vướng mắc gồm: Giải phóng mặt bằng; di dời đường điện cao thế; cung ứng vật liệu cát, đá, sỏi.