Theo báo cáo ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Điện Biên, đợt lũ quét xảy ra ở xã Mường Pồn vào rạng sáng 25/7 vừa qua đã làm 4 người chết, 3 người mất tích, 7 người bị thương; hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều diện tích hoa màu bị nước lũ cuốn trôi... 

Đến nay, các ban, ngành tỉnh Điện Biên đang nỗ lực hết sức để khắc phục hậu quả nhanh nhất. Cơ bản huyện Điện Biên đã di chuyển nhà cửa, tài sản của các hộ dân ra khỏi khu vực nguy cơ thiên tai, tiếp tế thực phẩm, nước uống, vật dụng sinh hoạt ổn định đời sống dân sinh và sản xuất sau mưa lũ. Tuy nhiên mọi việc vẫn đang còn rất khó khăn.

muong pon.png
Lực lượng Bộ đội Biên phòng hỗ trợ các hộ dân dỡ nhà, di chuyển nhà, tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Ảnh: PCTT

Trước mắt, để đảm bảo sức khỏe cho người dân, ngành Y tế tỉnh Điện Biên khẩn trương thành lập Trạm y tế lưu động tại đây. 

Ông Vì Văn Khiên, Trưởng bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn cho biết, mưa lũ, sạt lở khiến giao thông chia cắt, gây khó khăn không nhỏ cho các cán bộ, nhân viên y tế tiếp cận, chăm sóc sức khỏe cho người dân ở 11 bản trong xã. Chính vì vậy, việc thành lập Trạm y tế lưu động có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc cứu chữa và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Cùng với nhân viên y tế, đội ngũ quân y biên phòng cũng tích cực tham gia hỗ trợ kiểm tra sức khỏe người dân, cấp phát thuốc và hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt... Việc xử lý nguồn nước bị ô nhiễm sau lũ được ưu tiên để tránh dịch bệnh.

Thiết lập Sở Chỉ huy tại chỗ khắc phục hậu quả thiên tai

Khi nhận được tin báo mưa lũ xảy ra nghiêm trọng tại xã Mường Pồn, các cơ quan chức năng của tỉnh, đặc biệt là Đoàn công tác do Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường, làm Trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên nhân dân vùng thiên tai.

Đoàn đã kiểm tra thực tế, nắm bắt tình hình và lãnh đạo, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho cấp ủy, chính quyền huyện Điện Biên, các lực lượng vũ trang, các Sở, ban, ngành tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, chăm lo đời sống nhân dân bị ảnh hưởng do thiên tai và trực tiếp thăm hỏi, hỗ trợ 25 triệu đồng đối với các hộ dân bị thiệt hại về người.

dan quan.jpg
Dân quân huyện Điện Biên tiếp tế nhu yếu phẩm cho bà con bản Lĩnh. Ảnh: báo ĐBP

UBND huyện đã thiết lập Sở Chỉ huy tại chỗ do Chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ đạo, điều hành cùng với các Sở, ban, ngành tỉnh, các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh, huyện thống nhất các biện pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp.

Cụ thể, tích cực tổ chức tìm kiếm người mất tích; thăm hỏi, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân bị ảnh hưởng nặng do thiên tai, nhất là các gia đình có người chết, tổ chức an táng theo phong tục, tập quán; tổ chức kiểm tra, rà soát và vận động, tuyên truyền các hộ có nhà đang trong vùng nguy cơ bị sạt lở di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; huy động lực lượng, máy móc xử lý nhanh các điểm sạt lở để sớm thông tuyến Quốc lộ 12, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, huyện đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tăng cường thông tin, tuyên truyền tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả mưa lũ tại xã Mường Pồn… 

khac phuc thien tai.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh giúp người dân Mường Pồn khắc phục mưa lũ. Ảnh: Công an Điện Biên

Đồng thời, các lực lượng quân sự, công an, biên phòng tỉnh đã huy động gần 1.495 lượt cán bộ, chiến sĩ, phương tiện, công cụ hỗ trợ thường trực tại các khu vực xảy ra thiên tai, thực hiện các nhiệm vụ cứu thương, tìm khiếm nạn nhân mất tích, bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông... giúp người dân khắc phụ hậu quả thiên tai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến nhấn mạnh, tỉnh đang tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả trong đó tập trung vào 3 việc chính là, tiếp tục tìm kiếm những người mất tích; hỗ trợ để bà con nhân dân ổn định đời sống; lập tức di dời đối với những hộ hiện nay đang có nguy cơ bị sạt lở.

Theo ông Tiến, về lâu dài thì phải tính toán đến việc xây dựng các dự án theo quy hoạch của tỉnh và quan trọng nhất là chú trọng làm tốt công tác cảnh báo cho người dân biết về nguy cơ đối với các vùng bị ảnh hưởng do mưa lũ để phòng tránh.

Cơ quan chức năng nhận định, khó khăn lớn hiện nay với cấp ủy, chính quyền là việc tìm quỹ đất bố trí tái định cư cho người dân khu vực lũ quét và những gia đình phải di dời khỏi nơi nguy cơ sạt lở cao. Những hộ mất nhà trong trận lũ đang được bố trí ở tạm tại nhà người thân, nhà văn hóa hay điểm trường học song đây chỉ là biện pháp tình thế.

Thêm một khó khăn nữa là hướng sinh kế cho bà con khi hơn 40ha lúa đã bị bùn đất vùi lấp, 2ha thủy sản thiệt hại hoàn toàn… Thống kê thiệt hại do thiên tai, mưa lũ trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay khoảng 257 tỷ đồng. Do đó, việc sắp xếp lại dân cư, di dời dân khỏi khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét; hỗ trợ sản xuất, làm nhà ở, khắc phục hạ tầng giao thông bị tàn phá sau mưa lũ, sạt lở… đang cần rất nhiều nguồn lực.