Chia sẻ những khó khăn của ngành y tế Thủ đô, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, những vướng mắc trong các quy định về đấu thầu dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất xét nghiệm…
“Điều đó không chỉ gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, mà còn là sự thiệt thòi cho người dân khi sử dụng dịch vụ y tế”, bà Trần Thị Nhị Hà nói.
Thực tế, những tuần gần đây, không chỉ các bệnh viện của Hà Nội, mà tuyến Trung ương cũng đối mặt với tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế. Do ‘cạn’ vật tư, nên từ 1/3, Bệnh viện Việt Đức giảm các ca mổ, chỉ ưu tiên mổ cấp cứu và các ca rất nặng.
Hồi cuối tháng 2, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết, các bệnh viện lớn trên toàn quốc hầu như đã hết vật tư y tế để dành cho chăm sóc người bệnh, các hóa chất xét nghiệm cũng hết.
Thực tế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã được đại biểu Quốc hội ngành y cảnh báo từ giữa năm 2022. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM) cho biết, bà không ngạc nhiên trước tình trạng thiếu thuốc vì trong ngành đã nhiều lần phản ánh về bất cập trong cơ chế cung ứng, đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế là do sau dịch bệnh, nguồn cung khan hiếm, giá cả biến động, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân sau dịch bệnh tăng nhiều. Ngoài ra còn do nhiều gói thầu không tìm được nhà thầu cung ứng. Bên cạnh đó có tâm lý e ngại trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc.
Trước tình trạng trên, ngày 25/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, một số bệnh viện Trung ương về tháo gỡ vướng mắc liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh…
Theo Phó Thủ tướng, y tế là lĩnh vực đặc biệt, vì vậy, Bộ Y tế phải chủ động đề xuất chính sách đặc biệt, cách làm đặc biệt. Với nỗ lực của Bộ Y tế, các bộ ngành, sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, các vấn đề của ngành y tế sẽ sớm được giải quyết căn cơ, sớm nhất.
"Các bộ, ngành phải nhận thức được tinh thần, trách nhiệm cùng với Bộ Y tế giải quyết những điểm nghẽn, bức xúc liên quan đến bảo đảm thuốc, hoá chất, vật tư, trang thiết bị y tế. Đây không phải là việc của riêng ngành y tế, mà rất sát sườn với từng người dân", Phó Thủ tướng nói.
Ngày 3/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Nghị định 07 nhằm khơi thông các vướng mắc, giải quyết các tồn tại, hạn chế, bất cập phát sinh trong thời gian vừa qua trong lĩnh vực trang thiết bị y tế.
Theo Nghị định 07, giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế và số lưu hành trang thiết bị y tế được tiếp tục sử dụng đến cuối tháng 12/2024. Tổ chức đã được cấp giấy phép nhập khẩu, số lưu hành trang thiết bị y tế phải đáp ứng các điều kiện theo quy định và phải chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng, số lượng, chủng loại, mục đích sử dụng của trang thiết bị y tế.
Nghị định 07 xác định quan điểm chỉ đạo của Chính phủ từ năm 2025 sẽ chuyển từ hình thức tiền kiểm sang hậu kiểm, số lưu hành có giá trị không thời hạn gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp về thông tin trang thiết bị y tế và trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong tổ chức thanh tra, kiểm tra.
Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế từ nay đến hết năm 2024 tập trung thực hiện việc cấp giấy phép lưu hành để thay thế hoàn toàn cho các giấy phép nhập khẩu.
Đến ngày 4/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.
Nghị quyết cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Trường hợp cùng 1 chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau, chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao Hội đồng khoa học xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị.
Nghị quyết 30 sửa đổi khoản 4 Nghị quyết 144, trong đó cho phép tiếp tục thanh toán bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo nghị quyết, nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị để sử dụng vật tư, hóa chất theo yêu cầu của chủ đầu tư, nếu hồ sơ mời thầu có đặt ra quy định trên.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, Chính phủ đã ban hành các chính sách quan trọng để khơi thông điểm nghẽn về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, tính đến 2/3, Bộ Y tế đã gia hạn hơn 9.000 giấy phép lưu hành thuốc. “Có thể nói tất cả các loại thuốc trên thị trường đã đăng ký trước đây đã được tiếp tục lưu hành”, ông Luận nói. Ông Lê Đức Luận tin rằng, sau khi các chính sách được sửa đổi, ban hành thì những bất cập liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc và thanh toán bảo hiểm y tế sẽ được giải quyết. |