Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị là một trong hai công ước quan trọng nhất về quyền con người và là một trong ba thành tố (cùng với Tuyên ngôn nhân quyền thế giới 1948 và Công ước quyền kinh tế, xã hội và văn hóa) hợp thành Bộ Luật nhân quyền quốc tế.

Trong năm 2023, việc hoàn thiện dự thảo và bảo vệ Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4 tiếp tục là một trong những công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ.

dac sac le hoi a da cua dong bao ta oi.jpg
Ảnh minh hoạ

Từ khi gia nhập Công ước ICCPR, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực thi và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền dân sự và chính trị cho người dân, góp phần vào những thành tựu chung về quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, thể hiện ở sự tín nhiệm, bầu chọn Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Kể từ năm 2013, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối thực thi Công ước ICCPR, cũng trong năm này, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013 với một chương riêng quy định về quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp năm 2013 ghi nhận nguyên tắc: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”, đồng thời cũng quy định rõ, “Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác...

Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác: Hiến pháp năm 2013 cũng lần đầu tiên quy định nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung về hạn chế quyền, theo đó: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Sau khi tiếp nhận vai trò đầu mối xây dựng Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước ICCPR, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 487/QĐ-BTP ngày 04/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Công ước ICCPR. Đây được coi là Kế hoạch đầu tiên của Bộ Tư pháp trong việc thực hiện Công ước ICCPR, tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ ba thực thi Công ước ICCPR tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2002 đến năm 2017.

Sau khi Việt Nam đệ trình Báo cáo quốc gia, ngày 03/8/2018, Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp quốc (Ủy ban) gửi Danh sách các vấn đề Ủy ban quan tâm (LOI) gồm 27 đoạn. Việt Nam đã xây dựng Báo cáo trả lời LOI bao gồm 119 đoạn và 04 phụ lục cung cấp các thông tin bổ trợ cho nội dung Báo cáo. Tại Phiên họp lần thứ 125, Ủy ban đã tổ chức phiên đối thoại đối với Việt Nam về báo cáo này vào ngày 11 - 12/3/2019 tại Geneva, Thụy Sỹ.

Ngày 28/3/2019, Ủy ban đã ban hành Bản khuyến nghị về Báo cáo quốc gia của Việt Nam. Bản khuyến nghị có tổng cộng 59 đoạn, trong đó tại đoạn 58 của Bản khuyến nghị, Ủy ban có yêu cầu Việt Nam cung cấp các thông tin về việc triển khai các khuyến nghị nêu tại đoạn 24, 46 và 52 Bản khuyến nghị vào ngày 29/3/2021. Tại đoạn 59 Bản khuyến nghị, Ủy ban yêu cầu Việt Nam nộp Báo cáo định kỳ tiếp theo vào ngày 29/03/2023 và có báo cáo cụ thể, cập nhật thông tin về việc triển khai các khuyến nghị nêu tại Bản khuyến nghị và về Công ước ICCPR nói chung.

Để triển khai thực hiện Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban, ngày 26/9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban (Quyết định số 1252/QĐ-TTg).

Cho đến nay, khoảng 40 bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch riêng thực hiện các khuyến nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 3028/QĐ-BTP ngày 04/12/2019 ban hành Kế hoạch của Bộ Tư pháp trong việc thực thi hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban. Bên cạnh đó, các khuyến nghị cũng được tiến hành hiệu quả thông qua việc lồng ghép với các chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia như Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030,...

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4 cho giai đoạn 2019 - 2022, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4. 

Báo cáo đã được nộp và đăng tải trên website của Ủy ban.

Văn Thường và nhóm PV, BTV