Tại huyện Cai Lậy, Tiền Giang, việc đầu tư cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Cùng với đó, các trường học trên địa bàn thường xuyên đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt".

Trong năm học 2023 - 2024, huyện Cai Lậy có 5 trường được nghiệm thu đưa vào sử dụng từ sự hỗ trợ của cấp trên với tổng nguồn vốn trên 170 tỷ đồng. Cụ thể, gồm các trường học như: trường Mầm non Mỹ Thành Nam, trường Tiểu học Phú Cường, trường Tiểu học Mỹ Thành Bắc, trường THCS Thạnh Lộc, trường THCS Mỹ Thành Bắc và trường THCS Ngũ Hiệp.

Bên cạnh các công trình đi vào hoạt động, trường học còn được mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho giáo viên và học sinh. Đây cũng là niềm hứng khởi và động lực mạnh mẽ cho thầy và trò của huyện Cai Lậy nói chung.

tieu hoc mam non 15.jpg
Đầu tư cơ sở vật chất khang trang có ý nghĩa thiết thực cho công tác giáo dục. 

Thực tế, đầu tư cơ sở vật chất khang trang cho các trường học có ý nghĩa thiết thực, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục của huyện Cai Lậy cũng như tỉnh Tiền Giang. Công tác này còn phục vụ mục tiêu chung về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương trong tiến trình nâng chất danh hiệu "Huyện đạt chuẩn nông thôn mới".

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo gồm: Tiêu chí số 5 (Trường học) và tiêu chí số 14 (Giáo dục Đào tạo).

Hiện huyện Cai Lậy có 48 trường công lập, trong đó có 16 trường mầm non, 16 trường tiểu học và 16 trường trung học cơ sở được phân bố đều ở các đơn vị xã và thị trấn. Ngoài ra, huyện còn có 1 trường mầm non tư thục và 10 nhóm trẻ. Địa phương cũng được tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Theo ông Huỳnh Văn Chẳng, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Cai Lậy, ở từng tiêu chí trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới, đều có các yêu cầu rất cụ thể với giáo dục. Để thực hiện hiệu quả các tiêu chí nói trên, ngành giáo dục địa phương xác định tuyên truyền là một trong những giải pháp trọng tâm, quan trọng.

Do đó, Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Cai Lậy đã tổ chức triển khai, tuyên truyền cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành Giáo dục – Đào tạo huyện về công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục - xóa mù chữ.

Kết quả, tiêu chí số 5 về Trường học và tiêu chí số 14 về Giáo dục Đào tạo, toàn huyện đã đạt 15/15 xã. Đến cuối năm 2022, trường học đạt chuẩn có 30/48 trường (đạt tỷ lệ 62,5%), có 2 trường đạt chuẩn cơ sở vật chất mức 2.

Hiện tại, ngành Giáo dục – Đào tạo huyện Cai Lậy đang nỗ lực phấn đấu đến cuối năm 2023 có 33/48 (đạt tỷ lệ 68,75%) trường đạt chuẩn. Đồng thời, phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ xây dựng thêm 7 trường đạt chuẩn quốc gia góp phần nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 40/48 trường, đạt tỷ lệ 83,3%.

Phòng Giáo dục – Đào tạo cũng tham mưu UBND huyện để tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh đưa vào kế hoạch đầu tư công 7 công trình xây dựng trường học năm 2023 và 2024.

Huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Huyện có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xây dựng hoàn chỉnh 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.  

Tình hình kinh tế xã hội của địa phương có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều phương diện, lĩnh vực.

Kết quả nổi bật là việc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, trên địa bàn huyện còn 583 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,19%, giảm 3,35% so với năm 2015. Công tác giải quyết việc làm cho người lao động được chú trọng với nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

Bên cạnh đó, huyện đã triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội cho người có công với cách mạng, đối tượng hưởng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, hộ nghèo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế từ Trung tâm Y tế huyện đến cơ sở được đầu tư trang bị đầy đủ hơn, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,6%... Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 62,7 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 38,4 triệu đồng/người/năm so với năm 2011.

Xuân Quý và nhóm PV, BTV