Khoảng 200 nghìn tỷ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân năm 2023

Năm 2023, để kịp thời, thực hiện chủ trương của Chính phủ cũng như chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng giá trị hỗ trợ khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

Có thể kể đến một số chính sách hỗ trợ tài chính tiêu biểu như: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế suất thuế GTGT từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% . Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuế được giảm khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

ngân hàng.jpg
Hàng trăm nghìn tỷ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bằng nhiều chính sách.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với DN, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo đó, dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn là hơn 110 nghìn tỷ đồng...

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, có thể nói trong suốt giai đoạn từ 2020 đến thời điểm hiện tại, trước các tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhiều tác động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, DN, với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700 nghìn tỷ đồng.

Đó là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí để hỗ trợ DN, người dân và nền kinh tế.

Linh hoạt, hiệu quả

ĐBQH Trần Hoàng Ngân đánh giá: Trong 3 năm cực kỳ khó khăn khi nước ta phải đối phó với đại dịch Covid-19 nhưng Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả. Thu ngân sách vẫn đạt và vượt dự toán đề ra. Nợ công lại được kéo giảm (dưới 40% GDP trong khi trần 60% GDP). Đây là yếu tố quan trọng và là dư địa thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cho dù chúng ta có thể chấp nhận mức bội chi cao hơn.

Bội chi 3 năm 2021-2023 ước ở mức 3,6% GDP (đã bao gồm bội chi cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội), thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Như vậy, cùng với bội chi giảm, các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ chính phủ 3 năm được kiểm soát thấp hơn giới hạn, ngưỡng cảnh báo, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên thế giới được Tổ chức Moody’s nâng hạng tín nhiệm trong năm 2022.

Cân đối ngân sách nhà nước được đảm bảo, nhất là trong bối cảnh thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, cấp thiết như phòng, chống dịch Covid-19, triển khai các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn các loại thuế, phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, tích lũy đủ nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương...

Ngoài ra, theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, thời gian qua, việc dồn nguồn vốn lớn cho đầu tư công là hướng đi đúng, vì trong 3 động lực tăng trưởng thì động lực về xuất khẩu bị ảnh hưởng từ bên ngoài, tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Cùng với đẩy nhanh tiêu dùng thông qua các chính sách thuế như việc giảm thuế giá trị gia tăng, thì tăng giải ngân đầu tư công sẽ hỗ trợ cho tổng thể nền kinh tế.

Đó là, giúp tháo gỡ được các điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông; đồng thời thúc đẩy giải quyết công ăn việc làm, giảm thất nghiệp và lan tỏa đến nguồn vốn huy động trong xã hội, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.