Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) có nhiều nét văn hóa tương đồng. Cùng với cộng đồng người Indonesia, cộng đồng người Việt đang ngày càng giữ vai trò quan trọng tại Đài Loan.
Đây cũng là vùng lãnh thổ có tỷ lệ người Việt đông đảo, bao gồm cả định cư và hợp tác lao động. Ước tính có khoảng 400 nghìn người Việt sinh sống ở vùng lãnh thổ này. Họ đã và đang hòa nhập tốt với cuộc sống địa phương. Đồng thời góp quảng bá, tôn vinh hình ảnh, đất nước và ngôn ngữ Việt Nam.
Một số hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam ở Đài Loan của bà con kiều bào.
Cộng đồng người Việt Nam Đài Loan (Trung Quốc) cũng có nhiều sự kiện hưởng ứng Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030.
Điển hình tháng 8/2023, được sự bảo trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Cục Kinh tế Đài Trung, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Đài đã tổ chức Ngày hội Văn hóa và quảng bá sản phẩm Việt Nam lần thứ nhất tại Đài Loan (Trung Quốc).
Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Cuộc thi thuyết trình tiếng Việt lần thứ nhất với chủ đề: “Tôi yêu tiếng Việt” là một ý tưởng sáng tạo của Hiệp hội Doanh nghiệp Đài - Việt nhằm giữ gìn và phát huy tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, hướng về quê hương đất nước.
Theo bà Vũ Tú Oanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Quan hệ kinh tế, khoa học và công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Cuộc thi Thuyết trình tiếng Việt lần đầu tiên tổ chức, hưởng ứng tích cực Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đánh giá cao hoạt động trên của Hiệp hội và cảm ơn Văn phòng Văn hóa - Kinh tế Đài Bắc đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban trong công tác tuyên truyền, vận động bà con hoà nhập sâu rộng vào xã hội sở tại; tạo điều kiện để kiều bào tham gia các hoạt động do Ủy ban tổ chức. Khuyến khích cộng đồng tích cực hưởng ứng và triển khai hiệu quả Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá văn hoá, ngôn ngữ Việt, nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng.
Cuộc thi được khởi động từ tháng 7/2023 và thu hút sự tham gia của hàng chục thí sinh là người Việt Nam và gốc Việt, những người nước ngoài yêu tiếng Việt trên khắp Đài Loan. Ban Tổ chức đã trao 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 02 giải Ba, 03 giải Khuyến khích.
Cô giáo Trần Thị Hậu (Tân Bắc) chia sẻ, Đài Loan rất quan tâm tới tiếng mẹ đẻ nên các trường tiểu học, trung học đều có thể mở lớp tiếng Việt.
"Nhiều ngôi trường từ cấp tiểu học đến đại học đều có các tiết học, môn học tiếng Việt do giáo viên người Việt Nam đứng lớp. Tiếng Việt luôn được tạo điều kiện để phát triển song hành cùng với ngôn ngữ sở tại", cô Hậu nói.
Từng tốt nghiệp Đại học tại Việt Nam nhưng sau khi đặt chân đến Đài Loan vào 12 năm trước, chị Phạm Trịnh Thùy Linh hầu như phải bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Tới nay, chị Phạm Trịnh Thùy Linh đã cầm trong tay tấm bằng thạc sĩ của Đài Loan, trở thành giáo viên dạy tiếng Việt tại nhiều trường học các cấp và giảng viên bộ môn tiếng Việt thuộc chương trình đại cương tại trường đại học.
Chị Phạm Thị Mỹ Dung tốt nghiệp Đại học kinh tế quốc dân tại Việt Nam. Năm 1999 chị sang Đài Loan làm việc. Thời gian nghỉ, chị đi làm tình nguyện viên ở các trung tâm xã hội và những trường đại học cộng đồng. Trong quá trình đó, chị đã góp nhặt tất cả những cơ hội để có thể đứng trên bục giảng hay đứng trên khán đài để truyền bá văn hóa, ẩm thực và ngôn ngữ của Việt Nam.
Sau khi kết hôn với chồng là người bản địa, dù công việc gia đình bận rộn nhưng chị vẫn dành thời gian đi dạy tiếng Việt cho cộng đồng. Ròng rã hàng chục năm trời, cứ đến cuối tuần, chị Dung cùng con nhỏ đồng hành đi khắp nơi để dạy tiếng Việt. Những buổi mẹ lên lớp, con ngồi kế bên học nên tiếng Việt, văn hóa Việt đã thấm vào tâm hồn trẻ một cách tự nhiên. Nhờ đó, các con chị hát, giao tiếp tiếng Việt rất trôi chảy.
Không chỉ dạy cho người Việt Nam mà bất cứ khi nào có cơ hội, chị Dung cùng các cô dâu Việt đều tranh thủ dạy cho người bản địa những câu nói đơn giản bằng tiếng Việt. Vào những dịp cuối tuần hay các dịp lễ hội, các chị em sẽ tự tay nấu những món ăn của Việt Nam như nem rán, bún thịt nướng, phở… để mời những người bản địa. Cùng với đó, các cô dâu Việt còn tổ chức các hội nhóm Những người thích học tiếng Việt; Những người thích ẩm thực Việt, văn hóa Việt để cộng đồng người Việt giao lưu
Để được đứng trên bục giảng dạy, hàng năm các cô dâu Việt sẽ phải vượt qua một kỳ thi tuyển. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam, đặc biệt Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn dành cho giáo viên là kiều bào tại nước ngoài.
Với những giáo viên không có cơ hội về Việt Nam nâng cao nghiệp vụ, chị Dung cùng các chị em ở Cao Hùng, Đài Nam mở nhiều lớp tập huấn, mời các giáo sư, giảng viên từ Việt Nam sang giảng dạy, chia sẻ phương pháp dạy học và sử dụng AI để làm giáo trình tiếng Việt.
Theo chị Dung, khi sinh sống và làm việc ở nước ngoài, điều quan trọng để gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc cho thế hệ sau và khẳng định vị thế của người Việt ở trên thế giới chính là quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam.
Anh Hoàng Văn Lợi, một người đã có nhiều năm sống tại Đài Loan chia sẻ, trước đây, anh rất lo lắng về việc thế hệ con cháu sau này không còn nhớ tiếng Việt. Từ khi tiếng Việt chính thức được chính quyền sở tại cho phép được đưa vào giảng dạy trong các trường tiểu học và trung học cơ sở, cùng với sự miệt mài của các cô dâu Việt, anh tin rằng, tiếng Việt sẽ giúp các cháu nhớ về cội nguồn, nhớ về quê hương đất nước:
Anh Lợi nhận định, để tiếng Việt phát triển tại Đài Loan như hiện nay là sự nỗ lực rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy tiếng Việt. Có đến 90% các cô giáo tham gia giảng dạy tiếng Việt ở các trường trung học, tiểu học là các cô dâu Việt. Họ tham gia giảng dạy tiếng Việt xuất phát từ niềm đam mê đối với ngôn ngữ tiếng Việt và mong muốn được giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ con cháu mai sau.
Trở về từ Đài Loan, tham dự khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt, cô Đặng Thu Hằng cho biết đã dạy tiếng Việt ở Tân Trúc được 11 năm. Hiện tại cô là Hội trưởng Hiệp hội Phát triển văn hóa tân di dân - một tổ chức do cô lập ra để dạy tiếng Việt và giới thiệu, lan tỏa văn hóa Việt Nam.
Ở đó, cô Hằng và một số giáo viên dạy miễn phí tiếng Việt cho trẻ em. Trong số đó có những đứa trẻ gia đình có yếu tố Việt Nam (bố, hoặc mẹ là người gốc Việt), cũng có những đứa trẻ là người Đài Loan.
Trong quá trình dạy tiếng Việt, cô có nhiều kỷ niệm vui buồn nhưng sâu sắc và xúc động hơn cả là câu chuyện về người đàn ông Đài Loan đưa con đến học. Vợ anh là người Việt Nam, sau khi sinh con thứ 2 vài năm, chị mắc trọng bệnh rồi qua đời. Anh sợ các con quên tiếng Việt vì không còn ai giao tiếp, dạy hàng ngày. Anh còn sợ các con quên mất cội nguồn – nơi mẹ sinh ra. Vì thế, anh đến đăng ký cho 3 bố con cùng học. Đây cũng là cách anh giữ kết nối được với bố mẹ vợ ở Việt Nam, để các con biết và gìn giữ tiếng Việt của mẹ.
Câu chuyện của người đàn ông này đã khiến chị thay đổi rất nhiều trong tâm thế đối với công việc mình đang làm. Nó không hoàn toàn là một công việc làm theo nhu cầu nữa mà có gì đó thiêng liêng, có tình yêu và trách nhiệm.
Các bé gốc Việt tập viết chữ.