Buổi tọa đàm "Gìn giữ văn hóa Việt – tiếng nói Việt” do thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Mai, giảng viên Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương là diễn giả, có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, phụ huynh và một số học viên Câu lạc bộ tiếng Việt.
Tại tọa đàm, giảng viên Thanh Mai chia sẻ, giới thiệu về văn hóa Việt, đồng thời lý giải vì sao tiếng nói vùng miền khác nhau thì phát âm khác nhau hay người nước ngoài nói tiếng Việt bị mất dấu, thay đổi vị trí dấu... Đây không phải là bài học nhưng là những ví dụ thực tiễn, được thực hành tại chỗ đã giúp người tham dự tọa đàm nhận biết được mức độ nói chuẩn tiếng Việt của mình.
Giảng viên Thanh Mai cũng giới thiệu về cuốn sách “Cẩm nang chữa ngọng” là kết quả do cô nghiên cứu, trải nghiệm, thực hành từ trẻ nhỏ cho đến người lớn suốt 13 năm qua.
Các khách mời tham dự tọa đàm đã có sự tương tác với diễn giả thông qua nhiều câu hỏi về văn hóa, ngôn ngữ Việt gửi tới giảng viên Thanh Mai.
Những năm qua, Câu lạc bộ tiếng Việt là nơi khởi nguồn và truyền cảm hứng cho nhiều bạn nhỏ Việt Nam sinh ra, lớn lên ở Hà Lan tiếp cận, học tiếng Việt một cách hứng thú. Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương cùng các đồng nghiệp, phụ huynh nỗ lực duy trì lớp. Đối với chị, tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ mà còn là một phần không thể thiếu của văn hóa quê hương.
“Tôi hy vọng những việc làm nhỏ bé của mình sẽ lan tỏa tình yêu với ngôn ngữ mẹ đẻ đến cộng đồng, bồi đắp thêm tình yêu Tổ quốc và hơn hết là tạo thành sợi dây kết nối các thế hệ kiều bào trẻ, không để tiếng Việt bị mai một. Các con mang dòng máu Việt Nam, các con phải hiểu về nguồn gốc, bản sắc, văn hóa dân tộc Việt Nam trước khi trở thành một công dân toàn cầu”, cô Lan Hương nói.
Cô Lan Hương cũng mong muốn, các lớp học tiếng Việt sẽ khơi gợi sự tự hào về lịch sử và truyền thống đất nước để thế hệ kiều bào trẻ đang phát triển lớn mạnh ở nước ngoài có điều kiện kết nối với nhau, cùng thanh niên trong nước phấn đấu vì một nước Việt Nam hùng cường, có vị thế và vai trò ở khu vực và trên thế giới. Đồng thời, tiếng Việt luôn là mạch nguồn yêu thương, kết nối các em với Tổ quốc.