Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Y tế, thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sức khỏe sinh sản ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Các chỉ số về sức khỏe bà mẹ và trẻ em mà Việt Nam đã đạt được là khá tốt so với nhiều quốc gia có tương đương mức thu nhập bình quân đầu người, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ về sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Các chỉ tiêu Chính phủ giao về lĩnh vực sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong nhiều năm qua đều hoàn thành.
Tuy nhiên, theo ước tính tại Việt Nam, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có gần 10 trẻ sơ sinh tử vong và 1.000 trẻ dưới 5 tuổi có khoảng 20 trẻ tử vong. Tỷ lệ này ở các vùng dân tộc thiểu số cao gấp 3 lần so với toàn quốc.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, tỷ suất tử vong mẹ giữa các vùng dân tộc thiểu số so với người dân tộc Kinh cao gấp nhiều lần. Tử vong mẹ ở người H’Mông cao gấp hơn 7 lần so với dân tộc Kinh. Tại các tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Kon Tum, Đắk Nông, Lào Cai, tỷ suất tử vong mẹ và tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi cao nhất hiện nay, gấp 2-3 lần so với trung bình cả nước.
Nỗ lực để giảm tỷ lệ tử vong ở phụ nữ và trẻ em cũng như nâng cao sức khỏe sinh sản cho người dân tại các vùng dân tộc thiểu số cũng đang nhiệm vụ trọng tâm mà ngành y tế phải thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Ghi nhận thực tế tại các trạm y tế xã ở huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình hay huyện Na Hang tỉnh Tuyên Quang, những buổi truyền thông, cung cấp kiến thức làm mẹ an toàn được cán bộ y tế tổ chức đều đặn và hiệu quả tới các thai phụ. Tại những địa phương này, hầu như không có tai biến sản khoa, không còn tình trạng sinh tại nhà.
Tuy nhiên, theo các thầy thuốc tại y tế cơ sở, chỉ truyền thông thôi chưa đủ, muốn giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh, thì việc trang bị các dụng cụ, máy móc thiết yếu cho mỗi phòng đẻ cần phải được đầu tư, để họ có thể xử lý được ngay khi có sự cố tai biến.
Điều dưỡng Bùi Thị Thiết, Trạm Y tế xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, cho biết hiện tại trạm có 2 bác sĩ nhưng chưa có máy siêu âm. Liên quan đến nhiệm vụ làm mẹ an toàn, một số trang thiết bị trong phòng đẻ như chăm sóc giờ đầu sau sinh, hồi sức sơ sinh, mong muốn được hỗ trợ máy móc, dụng cụ cần thiết...
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khi nói về nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong sơ sinh ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn cao chủ yếu là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau khi sinh của người dân, cũng như chất lượng dịch vụ, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn hạn chế, gặp không ít khó khăn.
Phong tục, tập quán trong chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em, tình trạng phụ nữ có thai không đi khám thai và quản lý thai, đẻ tại nhà vẫn còn khá phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, đội ngũ cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế và yếu về năng lực chuyên môn, được xem là nguyên nhân quan trọng được chỉ ra trong các thách thức chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
"Cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức rất thiếu, 30% bác sĩ đa khoa làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tuyến huyện. Cơ sở vật chất quá tải, điều kiện vô khuẩn hay trang thiết bị rất thiếu thốn. Trong khi năng lực về cấp cứu sản khoa, sơ sinh như sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí còn hạn chế ở những vùng khó khăn…", thông tin từ Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết.
Đặc biệt, ở vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, việc duy trì đội ngũ cô đỡ thôn bản gặp khó do y tế thôn bản hay cô đỡ thôn bản không còn được hưởng phụ cấp, gây khó khăn trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Điển hình như ở Tuyên Quang, có 250 cô đỡ thôn bản/y tế thôn bản cho 46 xã vùng sâu, vùng xa, nhưng hiện chỉ còn 7 cô đỡ thôn bản còn hoạt động.
Để giảm thiểu tỷ lệ tử vong, nâng cao chất lượng dân số tại các vùng dân tộc thiểu số, bên cạnh nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn làm mẹ an toàn, thay đổi hành vi của người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ nhỏ, cần đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực y tế cho những vùng này, đặc biệt là xây dựng lại đội ngũ cô đỡ, y tế thôn bản như trước đây.