Tại hội thảo “Quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp: Thực trạng và giải pháp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình đối tác hành động quốc gia về Nhựa (NPAP) và Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam tổ chức mới đây, đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ NNPTNT đã có bài tham luận về kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa.
Theo đó, ngoài hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và kỹ thuật của Trung ương, Bộ NNPTNT đã triển khai: Thông tư liên tịch số Số: 05 2016 /TTLT BNNPTNT BTNMT ngày 16/ 5/2016; Bộ tiêu chí huyện Nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025; Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025… và một loạt các quyết định khác.
Theo kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp (Quyết định 2711/QĐ-BNN-KHCN), mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực trồng trọt: giai đoạn từ 2022 – 2025 giảm sử dụng tối thiểu vật liệu nhựa 15%; từ 2026 -2030 là 30%. Thu gom phân loại tối thiểu ở giai đoạn 2022-2025 là 60%, giai đoạn 2026 – 2030 là 100%. Tái sử dụng chất thải nhựa giai đoạn 2022 – 2025 là 12% và giai đoạn 2026 – 2030 là 20%. Tỷ lệ trong các lĩnh vực bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú ý, lâm nghiệp đươc đặt ra cao hơn.
Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tố chúc, cá nhân trong giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa ngành nông nghiệp cũng đặt mục tiêu: Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp được cập nhật đầy đủ các quy định, chính sách liên quan đến quản lý vật liệu và chất thải nhựa từ 2022 – 2030 là 100%. Cán bộ quản lý ngành nông nghiệp được tập huấn về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; Nông dân được tập huấn nâng cao nhận thức về các quy định, chính sách liên quan đến vật liệu và chất thải nhựa giai đoạn 2022 – 2025 là 50% và giai đoạn 2026 – 2030 là 100%.
Đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết: Thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá tác động của chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa, đơn vị đã hoàn thành báo cáo hiện trạng và tác động của chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp đến môi trường; Bộ dữ liệu chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp bao gồm các dữ liệu điều tra, phiếu điều tra, số liệu đo đạc; Báo cáo đề xuất các giải pháp quản lý, thu gom, phân loại và tái sử dụng chất thải nhựa; Các mô hình thí điểm quản lý thu gom phân loại chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là thực hiện các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhân thúc, thay đổi hành vi về chất thải nhựa tới các cơ quan quản lý thuộc Bộ (TW và địa phương, các Sở NNPTNT..), các tổ chức, cá nhân và người dân về giảm thiểu, thu gom, sử dụng chất thải nhựa thông qua các buổi hội thảo/tập huấn, tin bài, các phim và phóng sự phát trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, nguồn lực còn hạn chế chưa đủ đáp ứng triển khai các nhiệm vụ về quản lý chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia các hoạt động giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp; Nhận thức của cộng đồng về tác động của chất thải nhựa đến sức khỏe, môi trường còn chưa cao; Các vật liệu sử dụng thay thế vật liệu nhựa trong sản xuất nông nghiệp còn ít, giá thành cao, khó cạnh tranh…
Đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng kiến nghị cần bố trí, ưu tiên nguồn lực để thực hiện các hoạt động giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp; Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chất thải nhựa cho cán bộ ngành nông nghiệp, tổ chức, cá nhân có hoạt động nông nghiệp và cộng đồng dân cư ven biển. Cùng với đó là thực hiện các nghiên cứu công nghệ, giải pháp thay thế đối với các vật liệu nhựa trong sản xuất nông nghiệp; Triển khai các mô hình thí điểm giảm thiểu chất thải nhựa, kết hợp với các chương trình khuyến nông, nhân rộng các mô hình thành công; Mở rộng hợp tác quốc tế trong việc giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp…