Các hoạt động thông tin truyền thông không chỉ giúp các địa phương triển khai chính sách kịp thời, đầy đủ, mà còn giúp người nghèo nắm được thông tin, các chính sách, học hỏi các gương sáng vươn lên thoát nghèo.

Thúc đẩy giảm nghèo bền vững

Sáng 23/11 Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá giữa kỳ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong lĩnh vực TT&TT giai đoạn 2016-2020.

Thông tin tại hội nghị, với tổng vốn thực hiện 600 tỷ đồng, hoạt động giảm nghèo bền vững trên lĩnh vực TT&TT thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan.

Nhiều hoạt động truyền thông về giảm nghèo được thực hiện và phát huy hiệu quả như: 2 cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo; 350 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thông tin tuyên truyền về giảm nghèo cho 26.000 lượt cán bộ; 2 lớp tập huấn cho phóng viên, báo chí về kỹ năng tuyên truyền công tác giảm nghèo; 789 cuộc tòa đàm với 71.000 lượt người tham gia chia sẻ kinh nghiệm công tác giảm nghèo; sản xuất nhiều ấn phẩm tuyên truyền về giảm nghèo.  

{keywords}
Toàn cảnh hội nghị

Với các hoạt động giảm nghèo về thông tin, Bộ TT&TT đã thiết lập 1 cụm thông tin cơ sở tại cửa khẩu Tây Trang tỉnh Điện Biên; Xuất bản tài liệu “hệ thống văn bản quản lý Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững” để phổ biến, áp dụng cho toàn ngành; Thiết lập Cổng thông tin điện tử “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” để cung cấp thông tin, ấn phẩm đến mọi người dân; Xây dựng khung chương tình và biên soạn tài liệu đào tạo bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thông tin cơ sở.  

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT, Ủy ban dân tộc, Hội nông dân Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam cũng tích cực xây dựng, sản xuất, phát hành các tin bài, video, ấn phẩm tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất, gương điển hình tiên tiến… đến người dân.

Tại các địa phương, trong giai đoạn 2016-2018 đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TT&TT cơ sở. Theo thống kê tại 52 tỉnh thành phố, các địa phương đã tổ chức được 128 lớp với trên 19.000 lượt cán bộ, đạt 96,2% mục tiêu. Sản xuất phát sóng trên 10.000 chương trình phát thanh và 588 chương trình truyền hình. Sản xuất phát hành 8.754 video clip, trên 260.000 tờ rơi và trên 116.000 ấn phẩm truyền thông khác.

Các địa phương đã hỗ trợ phương tiện tác nghiệp cho 137 huyện (vượt 37 huyện so với mục tiêu) và 343 xã (đạt 57,2% mục tiêu); hỗ trợ phương tiện nghe - xem cho 2.886 hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc ít người, đạt 28.9% mục tiêu; Xây dựng, nâng cấp 582 điểm tuyên truyền cổ động ngoài trời cho 356 xã. 

Về kết quả thực hiện nội dung Tiêu chí số 8 - TT&TT trong Bộ tiêu chí  quốc gia về xã nông thôn mới: có 12 tỉnh có 100% số xã đạt tiêu chí xã có điểm phục vụ bưu chính; 17 tỉnh có 100% số xã đạt tiêu chí xã có dịch vụ viễn thông, Internet; 12 tỉnh có 100% số xã đạt tiêu chí về xã có đài truyền thanh; 13 tỉnh có 100% số xã đạt tiêu chí về xã có ứng dụng CNTT. 

Đẩy mạnh các hoạt động giảm nghèo thông tin

Đánh giá tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, các hoạt động TT&TT có vai trò quan trọng trong chương trình MTQG, không chỉ giúp các địa phương triển khai chính sách kịp thời, đầy đủ, mà còn giúp người nghèo nắm được thông tin, các chính sách giảm nghèo, học hỏi các gương sáng, điển hình thoát nghèo. Những kết quả đạt được góp phần hoàn thành MTQG giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai, còn tồn tại một số hạn chế như kinh phí bố trí còn thấp, đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở còn thiếu và chưa đồng đều; công tác tổ chức tuyên truyền chưa có sự kết hợp tốt giữa Trung ương và địa phương, còn hạn chế về chủ đề, nội dung, hình thức tuyên truyền; nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm hỗ trợ cho lĩnh vực TT&TT …

{keywords}
 

Để hoàn thành các mục tiêu các chương trình MTQG trong lĩnh vực TT&TT, Bộ TT&TT kiến nghị nhiều giải pháp.

Bộ đề nghị các Sở TT&TT xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành  thuộc các chương trình MTQG năm 2019, báo cáo UBND quan tâm bố trí kinh phí từ các chương trình do Trung ương giao cho địa phương và kinh phí đối ứng của địa phương; Các địa phương tăng cường kết hợp quản lý theo ngành và theo địa phương trong thực hiện các nội dung chuyên ngành, phát huy vai trò trong việc tổ chức, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có giải pháp phân công, chỉ đạo công tác kết hợp, lồng ghép trong hoạt động tổ chức truyền thông của các chương trình, quan tâm đến lựa chọn chủ đề nội dung, hình thức, thể loại báo chí, thời lượng, thời điểm phát sóng, phát hành tác phẩm đến đối tượng thụ hưởng để đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả truyền thông…

Năm 2020, phấn đấu đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững trong lĩnh vực TT&TT với 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, bản được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; 100% cán bộ làm công tác TT&TT được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ TT&TT cổ động; 50% xã nghèo có điểm thông tin, tuyên truyền cổ động ngoài trời; Khoảng 100 huyện, 600 xã được trang bị phương tiện tác nghiệp truyền thông cổ động; Thiết lập ít nhất 20 cụm thông tin cơ sở tại khu vực cửa khẩu, biên giới, trung tâm giao thương.   

Về xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020, đạt mục tiêu thiết lập mới trên 2.000 đài truyền thanh cấp xã, nâng cấp trên 3.200 đài truyền thanh cấp xã và trên 300 đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, trạm phát lại; Thiết lập mới trên 4.500 trạm truyền thanh thôn, bản, xã khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới giải đảo xa trung tâm xã. Đến năm 2020 có 95% số xã đạt chuẩn các nội dung khác của tiêu chí số 8 về TT&TT.

Ngọc Minh - Mai Hương