Cô Thái Thị Hồng Đỉnh - giáo viên Trường THPT Thuận Hòa sinh ra trong một gia đình nông dân, đông anh chị em ở xã Thuận Hòa, huyện Mỹ Tú (nay là thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành) tỉnh Sóc Trăng.

Đây là một xã nghèo của tỉnh, người dân gắn bó với nghề trồng lúa. Nhận thức được nỗi vất vả, nhọc nhằn của cha mẹ với công việc mưu sinh, ngay từ nhỏ, cô bé Đỉnh quyết tâm học thật giỏi.

{keywords}
Cô Thái Thị Hồng Đỉnh - giáo viên Trường THPT Thuận Hòa, tỉnh Sóc Trăng

Cô Đỉnh nhớ lại: “Ngay từ nhỏ, tôi thường hay học cách làm cô giáo dạy các em của mình hay những em nhỏ gần nhà. Và cứ như thế đến năm tôi tốt nghiệp trung học phổ thông, ấp ủ ước mơ được đứng trên bục giảng, tôi đăng ký vào ngành sư phạm Địa lý”.

Năm 2004, cô Đỉnh tốt nghiệp. Như nhiều sinh viên vừa rời giảng đường đại học, bao nhiêu câu hỏi đan xen trong đầu cô giáo trẻ: Mình sẽ được phân công dạy ở đâu? Có xa nhà không? Dạy như thế nào để học sinh yêu thích môn học mình? Ứng xử ra sao trước các tình huống sư phạm?...

Sau đó, cô Đỉnh nhận được quyết định về công tác tại Trường cấp 2 - 3 Thuận Hòa, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng - nơi cô sinh ra và lớn lên.

Trước đây, Trường cấp 2 - 3 Thuận Hòa là trường thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, do đó cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn như một số phòng học được dựng bằng tôn, thiết bị dạy học còn hạn chế, nhà vệ sinh dành cho học sinh và giáo viên thì không đủ… Vào mùa mưa, có nhiều lớp bị dột, bị ngập nước.

Đối với học sinh, đường đến trường cũng gặp nhiều vất vả. Các em đi học phải qua sông, men theo bờ ruộng, con đường làng nhỏ hẹp, một số vùng sâu chưa có điện sử dụng…

Nhưng tình yêu với nghề giáo đã thành động lực phấn đấu của cô Đỉnh. Không biết tự bao giờ, cô đã dành trọn tình cảm cho học trò.

Thành quả của cô giáo trẻ

Ngoài giảng dạy môn Địa lý, cô Đỉnh còn là tổ trưởng chuyên môn, khối trưởng chủ nhiệm… Dù ở vai trò nào, cô cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.

{keywords}
Học sinh Trường THPT Thuận Hòa, tỉnh Sóc Trăng

Trong công tác chuyên môn, cô miệt mài nghiên cứu phương pháp dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh, tự làm đồ dùng dạy học, khuyến khích các thành viên trong tổ thiết kế thêm các đồ dùng học tập, thường xuyên dự giờ để trao đổi kinh nghiệm. Cô Đỉnh cũng có nhiều sáng kiến trong giảng dạy môn Địa lý được áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả cao. 

Nhiều năm liền, cô Đỉnh có học sinh đoạt giải học sinh giỏi tỉnh và tham gia đội tuyển quốc gia của tỉnh Sóc Trăng. Tỷ lệ học sinh đạt điểm thi tốt nghiệp môn Địa lý của nhà trường luôn vượt tỷ lệ bình quân chung của tỉnh.

Ngoài ra, cô còn là người bạn đồng hành, là chỗ dựa tinh thần cho nhiều học trò, khuyến khích, hỗ trợ các em vượt qua khó khăn… Đồng thời, tham gia các hoạt động thiện nguyện như vận động học sinh tình nguyện tặng lại sách cũ để những năm tiếp theo nhà trường có thêm sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và bổ sung vào kho thư viện của trường…

Với những nỗ lực và sáng kiến của mình, cô Đỉnh nhận được danh hiệu “Chiến sĩ thi đua tỉnh Sóc Trăng” hai lần liên tiếp vào năm 2013 và 2016. Năm 2018, cô Đỉnh vinh dự được nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc".

Phương Chi

Thầy giáo về hưu xây bảo tàng trưng bày 'báu vật' làng quê

Thầy giáo về hưu xây bảo tàng trưng bày 'báu vật' làng quê

Một thầy giáo về hưu đã cất công sưu tầm và lưu giữ hàng ngàn cổ vật suốt 50 năm qua, xây dựng một bảo tàng "có một không hai" ở quê hương.