![Đà nãng 1.gif](https://static-images.vnncdn.net/vps_images_publish/000001/000003/2025/2/10/da-nang-1-61750.gif?width=0&s=xSQz65CA-LY7V6UeqiPOog)
Giá trị DTI Đà Nẵng năm 2023 đạt 0,834/1 điểm, tăng 0,0338 điểm so với năm 2022. Như vậy, Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Về các chỉ số thành phần chính, Đà Nẵng dẫn đầu 5/8: nhận thức số, thể chế số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, hoạt động chính quyền số; đứng thứ 2: hạ tầng số và hoạt động xã hội số. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đứng thứ 6 về hoạt động kinh tế số trong các tỉnh, thành phố.
Giữ vững vị trí các trụ cột chính
Theo báo cáo DTI 2023, giá trị trung bình DTI 2023 cấp tỉnh là 0,6783, tăng 17,2% so với năm 2022 (0,5763 điểm), trong đó 63/63 tỉnh, thành phố có giá trị DTI 2023 đạt từ mức 0,5 trở lên và 34/63 tỉnh, thành phố trên mức giá trị trung bình.
Năm 2023, 100% các bộ, tỉnh đều có chỉ số tăng so với năm 2022, phản ánh tương đối là cả hệ thống chính quyền các cấp đều nỗ lực trong chuyển đổi số.
Đối với Đà Nẵng, đây là năm thứ 4 liên tiếp thành phố dẫn đầu bảng xếp hạng và dẫn đầu 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Các chỉ số thành phần chính cơ bản vẫn xếp hạng cao, tuy nhiên hoạt động kinh tế số đạt 0,7262 điểm, lùi 5 bậc (từ 1 xuống 6) và hoạt động xã hội số đạt 0,5881 điểm, lùi 1 bậc (từ 1 xuống 2).
Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, để đạt kết quả trên, Đà Nẵng đã sớm triển khai và liên tục rà soát, cập nhật đồng bộ các giải pháp để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, qua đó trở thành điển hình chuyển đổi số, triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Về hạ tầng số, từ năm 2019, thành phố đã xây dựng Cổng Dịch vụ công dưới dạng nền tảng lõi để thiết lập nhanh dịch vụ công trực tuyến (thực hiện ngay trong ngày), đồng thời triển khai giám sát dịch vụ công thông minh thông qua Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh từ năm 2023.
Trong đó có các dịch vụ giám sát, thống kê tình hình xử lý hồ sơ của các cơ quan, cảnh báo các cơ quan xử lý hồ sơ gần tới hạn, chưa tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trong vòng 4 giờ.
Cũng từ năm 2019, thành phố đã ban hành chính sách giảm thời gian xử lý đến 50% đối với hồ sơ trực tuyến so với xử lý hồ sơ trực tiếp; hỗ trợ chi phí chuyển phát nộp hồ sơ, kết quả cho công dân qua bưu điện; ban hành Nghị quyết số 89/2023/NQ-HĐND ngày 14-12-2023 của HĐND thành phố quy định miễn, giảm mức thu lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời thành phố giao chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến hằng năm gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, địa phương; khuyến nghị các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo ngành, lĩnh vực.
Về xã hội số, thành phố đã triển khai nhiều mô hình như Tổ công nghệ số cộng đồng; Đại lý dịch vụ công trực tuyến thông qua các bưu cục tại xã, phường; Khu dân cư điện tử, Thôn điện tử...
Để duy trì và phát huy hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết chính sách hỗ trợ hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại kỳ họp giữa năm 2024, đồng thời thông qua hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo, cận nghèo (hiện 99% hộ gia đình có điện thoại thông minh).
![Đa nang 2.gif](https://static-images.vnncdn.net/vps_images_publish/000001/000003/2025/2/10/da-nang-2-61751.gif?width=0&s=JmYNmF6uriJhJookrQMMMw)
Nỗ lực chuyển đổi số toàn diện
Đánh giá về kết quả DTI 2023 của Đà Nẵng, ông Đặng Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, Giám đốc Công ty TNHH Axon Active Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng về cơ bản đã có nền tảng về ứng dụng công nghệ thông tin nhiều năm nên thuận lợi trong thúc đẩy chuyển đổi số.
Những nỗ lực của thành phố thời gian qua thể hiện rõ quyết tâm đưa chuyển đổi số gắn liền với kinh tế, xã hội thông qua các chỉ tiêu kinh tế số và xã hội số chứ không đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin như trước đây.
Về hệ thống hóa cơ sở dữ liệu dùng chung, dù thành phố có nhiều ứng dụng và có sự liên kết dữ liệu, tuy nhiên việc cập nhật và khai thác dữ liệu dùng chung trong các dịch vụ công vẫn chưa thuận tiện hoàn toàn.
Do đó cần tập trung chuẩn hóa dữ liệu và khai thác triệt để các dữ liệu đã thu thập của người dân, tạo thuận lợi tối đa cho việc triển khai ứng dụng, hướng tới mục tiêu người dân chỉ cần cung cấp dữ liệu một lần và dữ liệu này có thể được truy xuất trong tất cả nền tảng ứng dụng dịch vụ công.
Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện, khuyến khích đổi mới và hợp tác, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ các sáng kiến nghiên cứu và phát triển cũng như tiếp cận các nguồn tài trợ, các dự án và chương trình phát triển nhân tài.
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành Kế hoạch số 275-KH/TU ngày 6-2-2025 về triển khai thực hiện Quyết định số 204-QĐ/TW ngày 29-11-2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng phê duyệt đề án chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng. Kế hoạch đặt ra nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu nhằm nâng cao hiệu quả, giảm thời gian xử lý công việc.
Trước đó, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 229/KH-UBND ngày 14-11-2024 về triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố năm 2025 với chủ đề “Tập trung xây dựng xã hội số; phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau”.
“Năm 2025, Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án chuyển đổi số góp phần thúc đẩy, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030, định hướng năm 2035.
Về Chính phủ số, thành phố tiếp tục triển khai, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), trợ lý ảo trong quản lý, điều hành.
Về kinh tế số, sở phối hợp với các sở, ban, ngành phát triển kinh tế số các lĩnh vực, ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, du lịch, cảng biển, logistics, công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông…
Đặc biệt chú trọng phát triển xã hội số, thiết lập, phát triển không gian chuyển đổi số, trải nghiệm sản phẩm số, dịch vụ công nghệ số để tổ chức, người dân dễ tiếp cận”, ông Thạch nói.
Theo MAI QUẾ (Báo Đà Nẵng)