Tỉnh Cà Mau là tỉnh duy nhất trong vùng và cả nước có 3 mặt giáp biển kéo dài từ biển Đông sang biển Tây với bờ biển dài 254km. Phần lớn diện tích của tỉnh thuộc dạng đất ngập nước ven biển, có nhiều cửa sông, cửa biển và dân cư sống rải rác dễ bị ảnh hưởng trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nên công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất, cung cấp nước ngọt, phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn, tốn kém.

Theo thống kê, tại Cà Mau hiện có tổng 187km bị sạt lở. Sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250 ha.

Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau đã nỗ lực công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của rừng ngập mặn. Chính quyền tỉnh Cà Mau đang tiếp tục triển khai nhiều dự án khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn như san mặt bằng ở các vuông, kênh, rừng khoán ở khu vực rừng phòng hộ và rừng sản xuất trồng lại rừng.

Đồng thời khoanh nuôi tái sinh khu vực bãi bồi ổn định rừng phòng hộ, đặc dụng tại Mũi Cà Mau,  trồng rừng ven biển có hàng rào giảm sóng ở khu vực bãi bồi.  Ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng, vi phạm Luật Lâm nghiệp.  Tháng 8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ biển tỉnh Cà Mau, với 06 điểm, tổng chiều dài hơn 29km. Trong đó riêng huyện Ngọc Hiển đã có đến 04 điểm, hai điểm còn lại ở huyện Đầm Dơi và huyện Năm Căn. 

Tổng chiều dài bờ biển đang tiếp tục bị sạt lở trên 105km. Các đoạn bờ biển này có tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 25m đến trên dưới 50m, đặc biệt có những nơi lên đến 80m. Sạt lở đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đê biển Tây, có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân và các công trình đê điều, công trình phòng chống thiên tai, hệ thống lưới điện…

cam mau.png
Các biện pháp chắn sóng tại Khai Long, Cà Mau. 

Từ năm 2021 tới nay, thực hiện quyết hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã triển khai nhiều dự án, giải pháp khác nhau như tăng cường năng lực, xây dựng cơ chế, chính sách và quản lý, nâng cao nhận thức cộng đồng. 

Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai các đề án đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến lĩnh vực biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu về thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trên địa bàn đề án tăng cường năng lực hệ thống thu gom chất thải rắn tại các bãi biển và thực hiện đánh giá khí hậu tỉnh Cà Mau. 

Thực hiện những biện pháp cấp bách phòng, chống sạt lở đất vùng cửa sông, ven sông, xói lở đường bờ biển, xâm nhập mặn do nước biển dâng, nhất là đầu tư xây dựng đê biển Đông, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nâng cấp đê biển Tây và các đoạn đê vùng cửa sông xung yếu.

Tỉnh Cà Mau cũng đưa ra các giải pháp xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt hỗ trợ người dân trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. 

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau đang triển khai Dự án "Bảo vệ khí hậu và rừng ngập mặn kết hợp với cải thiện thu nhập cho cộng đồng dễ bị tổn thương" tại xã Đất Mũi trên lâm phận Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và xã Tam Giang Đông, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang. Nhờ đó, ngăn chặn được nguy cơ sói lở, tạo sinh kế cho người dân trong địa bàn.

Đối với các đoạn sạt lở nguy hiểm, tỉnh Cà Mau chỉ đạo nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng kết hợp với mặt đường giao thông đối với những đoạn bờ biển cần thiết và đầu tư hoàn thành toàn tuyến kè bảo vệ các bờ biển có nguy cơ sạt lở, sói mòn.

Duy Tiến và nhóm PV, BTV