Theo báo cáo của tỉnh Ninh Thuận, trong năm 2024, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh thường xuyên tuyên truyền, triển khai gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị thông qua các hội nghị, họp giao ban, các buổi sinh hoạt hội viên, sinh hoạt ở khu dân cư; đăng phát nhiều tin bài, hình ảnh trên các phương tiện truyền thông; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chia sẻ thông tin Cuộc vận động trên các trang thông tin điện tử, zalo, facebook; đưa Cuộc vận động lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, thu hút của Nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm dùng hàng Việt.
Các cơ quan lựa chọn 5 doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường Tết Nguyên đán 2024, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức 38 chuyến bán hàng lưu động ở 27 xã thuộc địa bàn 6 huyện đưa hàng hóa về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và tổ chức 11 điểm bán hàng cố định phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh. Hình thành điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của tỉnh tại Trung tâm thương mại Vincom Ninh Thuận và điểm bán hàng Việt tại xã Phước Đại, huyện Bác Ái, góp phần quảng bá, tiêu thụ hàng Việt.
Hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Duy trì 182 sản phẩm OCOP đã được công nhận trong hai năm 2022 và 2023; năm 2024 có 84 sản phẩm của 50 chủ thể tham gia đánh giá phân hạng; trong đó 12 sản phẩm đạt 4 sao, 72 sản phẩm đạt 3 sao.
Hỗ trợ 94 doanh nghiệp đưa 368 sản phẩm tham gia giới thiệu trên sàn thương mại điện tử của tỉnh. Nhiều mặt hàng nông sản được xuất khẩu như nhân điều, nha đam, măng tây, hành tím, táo xanh, táo sấy. Các sản phẩm chế biến từ nha đam được xuất khẩu đến 22 quốc gia với tổng doanh thu 3,5 triệu USD/năm. Kết nối hệ thống cửa hàng tiện lợi Bách Hóa Xanh tại Ninh Thuận bao tiêu sản phẩm táo tươi của người dân với số lượng 5.000 tấn/năm. Tổ chức thành công “Chương trình kết nối giao thương” giữa doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Central Retail Việt Nam, thu hút 42 doanh nghiệp, chủ thể OCOP tham gia với hơn 100 sản phẩm. Kết nối với siêu thị GO!, Big C đưa sản phẩm tiêu biểu của Ninh Thuận vào phân phối trong hệ thống như táo, nho, nha đam, mủ trôm, thịt cừu, thịt dê…
Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Ninh Thuận, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Lê Văn Bình, đánh giá: Hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong năm 2024 được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, mang lại hiệu quả và lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của người dân, doanh nghiệp và xã hội từ “ưu tiên” sang “tin dùng” hàng Việt.
Thời gian tới, các cấp tiếp tục quán triệt những nội dung trọng tâm, cốt lõi các kết luận, chỉ thị của Trung ương và của tỉnh đối với Cuộc vận động, đồng thời xây dựng kế hoạch phù hợp, chủ động triển khai đảm bảo hiệu quả, thực chất, đúng kế hoạch đề ra. Lưu ý việc lựa chọn nội dung trọng tâm, đột phá phải đăng ký ngay từ đầu và báo cáo về Ban Chỉ đạo Cuộc vận động chậm nhất trong tháng 1/2025.
Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới trong công tác tuyên truyền, lồng ghép với các sự kiện gắn với các hoạt động của cơ quan, đơn vị; hỗ trợ triển khai các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, đặc thù địa phương kết hợp phát triển thương mại điện tử, khai thác du lịch; khẩn trương đánh giá hiệu quả việc đưa các sản phẩm OCOP, đặc thù vào chuỗi cung ứng siêu thị theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, đồng thời rà soát các cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm; chú trọng việc đánh giá sản phẩm OCOP, đặc thù; tổ chức tốt Diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp và nhà phân phối hàng Việt” năm 2025.
Thành Nam