Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đạt được những kết quả tích cực, hệ thống các văn bản chỉ đạo dần được hoàn thiện. Trẻ em thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo, cận nghèo có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và điều kiện vui chơi, giải trí đảm bảo an toàn và phát triển một cách bền vững.

Các ngành chức năng ở Ninh Thuận đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em; Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong, bảo vệ an toàn cho trẻ em. 

W-tre-em-1.png
Các cơ sở giáo dục được yêu cầu phối hợp với chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tổ chức các hoạt động dạy bơi an toàn cho trẻ. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vụ việc xâm hại ở trẻ em có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng lớn đến tâm, sinh lý và thể chất của trẻ em; vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em. Trong năm 2022, tỉnh có 4 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong năm 2022. 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Về tai nạn thương tích, trong năm 2022, toàn tỉnh có 22 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, làm tử vong 15 em (trong đó có 10 em tử vong do tai nạn đuối nước), làm bị thương 5 em. 6 tháng đầu năm 2023, Ninh Thuận có 13 em bị tử vong do đuối nước, tăng 6 em so với cùng kỳ năm 2022 … để lại hậu quả nặng nề cho trẻ em và gia đình, gây bức xúc trong dư luận.

Gần đây nhất, trên địa bàn phường Bảo An, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm, làm tử vong 3 chị em trong cùng một gia đình, rất thương tâm.

Một phần nguyên nhân của các vụ tai nạn đuối nước là do trẻ không biết bơi, chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng về an toàn dưới nước.

Trước thực trạng trên và để ngăn ngừa nguy cơ trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của trẻ em, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai nghiêm túc hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, tỉnh về công tác phòng, chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước cho trẻ em...

Cùng đó, tỉnh yêu cầu xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, đảm bảo trẻ em được phát triển toàn diện. Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em. Thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, đặc biệt cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và trẻ em.

Đẩy mạnh thông tin, truyền thông phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ

UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin, truyền thông phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước trẻ em. Điều này nhằm nâng cao nhận thức và vai trò trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc, quản lý, giám sát và trông giữ con em đảm bảo được an toàn, nhất là trong dịp hè, mùa mưa, bão sắp đến.

Cùng đó, tổ chức tuyên truyền, giáo dục trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em đến từng trường học, lớp học, thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục chú trọng triển khai thực hiện việc xây dựng trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

Các trường cũng cần thường xuyên giáo dục cho học sinh kỹ năng nhận biết biển cảnh báo, nguy cơ và biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích và kỹ năng tự bảo vệ an toàn giao thông, an toàn trong môi trường nước trong các giờ học về giáo dục thể chất, sinh hoạt ngoại khóa tại trường học.

Các cơ sở giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tổ chức các hoạt động dạy bơi an toàn cho trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh, ưu tiên các địa phương có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao và có nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em (địa phương ven biển, có nhiều sông, suối, hồ...) để ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ đuối nước đối với trẻ em.  

Võ Thu và nhóm PV, BTV