Chiều 27/4, hơn 200 đại biểu là các tổ chức, doanh nghiệp cùng các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong mảng hydrogen và công nghệ xanh tham dự Hội thảo “Năng lượng xanh, hydro xanh và khu công nghiệp trung hòa carbon" do UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức.
Chương trình được tổ chức trước Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.
Tại buổi lễ, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận, cho hay, Ninh Thuận là một trong những tỉnh có tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện khí… Chẳng hạn, theo quy hoạch được lập, tại Ninh Thuận, điện gió trên đất liền có tiềm năng phát triển đến năm 2030 là hơn 1.429MW; điện gió ven biển tiềm năng khoảng 4.380MW; điện gió ngoài khơi có thể phát triển 21.000MW.
Về điện mặt trời tiềm năng phát triển của Ninh Thuận khoảng 8.448MW; điện khí LNG tiềm năng phát triển 6.000 MW, đến năm 2030 phát triển 1.500MW. Đối với thủy điện tích năng tiềm năng phát triển 7.000MW, đến năm 2030 phát triển 2.400MW…
Theo ông Hậu, Ninh Thuận được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng, cơ hội về năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời không phát thải carbon để sản xuất hydrogen xanh lá. Đây được xem là giải pháp công nghệ bền vững nhưng cần thời gian dài và nguồn vốn lớn để phát triển thị trường.
Trong thời gian tới, Ninh Thuận đưa mục tiêu đặt ra là khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về phát triển năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Địa phương cũng tập trung phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tập trung phát triển đồng bộ sản xuất điện, hạ tầng truyền tải điện, phụ tải điện và các ngành phụ trợ,... Quá trình thực hiện cũng tuân thủ, đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực. Mục tiêu là xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo cả nước.
Theo ông Hậu, hiện nay, việc phát triển sản xuất hydrogen tập trung vào các công nghệ bảo đảm không phát thải hoặc phát thải carbon thấp, hydrogen được sản xuất từ các công nghệ này được coi là hydrogen sạch - công nghệ đột phá nhằm đạt được các mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Với những lợi thế trên, ông Hậu bày tỏ tỉnh rất mong hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy các lĩnh vực tăng trưởng xanh. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả "Đề án phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước”.
Tại hội thảo lần này, các đại biểu, chuyên gia cũng kinh nghiệm triển khai và tiêu chuẩn của quốc tế về dự án Hydro xanh và Khu công nghiệp trung hòa Carbon và Năng lượng tái tạo và năng lượng Hydro xanh.
Xuân Ngọc