Ngày 19/4, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức họp báo Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận, tại TP.HCM
Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, qua hơn 2 năm thực hiện, ngày 10/11/2023, Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo dựng những giá trị khác biệt để tạo ra năng lực cạnh tranh nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh tạo dư địa cho tăng trưởng.
"Nội dung Quy hoạch tỉnh nêu rõ quan điểm, định hướng phát triển, với tầm nhìn chiến lược “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, với động lực mới, quyết tâm và khát vọng cho Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận", ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; đến năm 2050 phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Quy hoạch bố trí không gian phát triển và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; đề ra các khâu đột phá để phát triển tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.
UBND tỉnh Ninh Thuận xác định quy hoạch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, phải đi trước, với tư duy mới, tầm nhìn chiến lược dài hạn. Từ đó, nhằm tạo khung pháp lý cao nhất, là công cụ quan trọng để định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội; phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Thông tin thêm về nội dung quy hoạch, ông Lê Kim Hoàng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hơn 10 năm trước Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng cho phép thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch theo hướng tiếp cận mới là mô hình cạnh tranh. Trên cơ sở kế thừa đó, lập quy hoạch lần này tỉnh nâng lên, có những phương pháp mới, tích hợp các nguồn lực,…
Phát triển dựa trên 5 trụ cột
“Lần này, tỉnh xác định 5 trụ cột chính có khả năng cạnh tranh dựa trên lợi thế và tiềm năng, năng lực của tỉnh, được đánh giá rất kỹ, rất sâu”, ông Kim Hoàng thông tin.
Cụ thể, ưu tiên đầu tiên là năng lượng tái tạo, đây là chiến lược lâu dài của tỉnh.
Theo ông Kim Hoàng, Ninh Thuận có khác biệt rất lớn là khí hậu và thời tiết, không có nơi nào có 2.800 giờ nắng quanh năm với 10 tháng, và gió một chiều. Những vấn đề này trước đây được coi là khó khăn, thách thức, nhưng nay lại trở thành lợi thế. Đây là lợi thế khác biệt và cũng chính là mô hình xanh trong chiến lược phát triển của tỉnh.
Thứ 2 là du lịch, tỉnh đi theo con đường du lịch chất lượng cao, với 12 sản phẩm, đi theo lợi thế và khí hậu khô nóng, đặc thù. Thứ 3 là công nghiệp chế biến với những sản phẩm địa phương. Thứ 4 là năng lực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Cuối cùng là xây dựng kinh doanh bất động sản.
Ông Kim Hoàng cho biết, trước mắt, tỉnh ban hành 55 danh mục dự án để kêu gọi đầu tư dựa vào 5 trụ cột này, trong đó 9 lĩnh vực năng lượng tái tạo, 18 lĩnh vực về thương mai dịch vụ du lịch, 9 dự án thuộc công nghiệp chế biến, 5 dự án thuộc nông nghiệp và 14 dự án thuộc kinh doanh bất động sản.
Tại hội nghị lần này, trong 55 dự án, tỉnh kí những bản ghi nhớ và khảo sát để nghiên cứu phát triển 15 dự án với quy mô khoảng 130 nghìn tỷ. Tuy nhiên, có những dự án rất dài hơi, không chỉ 10 năm như tổ hợp xanh; hydro xanh, điện gió hữu cơ…
Ông Đặng Kim Cương - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, quy hoạch trước đây và lần này cũng có điểm khác biệt, riêng ngành nông nghiệp sẽ cụ thể đến từng lĩnh vực.
Theo ông Cương, tỉnh vốn thiếu nước, vì vậy địa phương sẽ biến những khó khăn này thành cơ hội trong thời gian tới như trồng cây trồng tiết kiệm nước, có giá trị kinh tế cao, phát triển nông nghiệp chất lượng cao.
Để cung cấp thông tin Quy hoạch tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa hiện thực hóa quy hoạch, tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức “Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận”, diễn ra vào 8h ngày 28/4. |