Chú trọng cải thiện đời sống tinh thần
Nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của người dân nông thôn nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hoá truyền thống tốt đẹp ở làng quê; phát triển văn hóa nông thôn theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, xây dựng mới và sửa chữa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh, bổ ích của người dân nông thôn.
Đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình có 113/118 xã có nhà Văn hóa (đạt 95,7%, tăng 37,55% so với giai đoạn trước), 118/118 xã có khu Thể thao; 1.239/1.325 thôn có nhà Văn hóa (đạt 93,66%), 98 xã đạt tiêu chí 06 về cơ sở vật chất văn hóa trong bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ninh Bình xác định căn cốt của NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân |
Cùng với việc phát triển số lượng, việc nâng cao chất lượng hoạt động để phát huy được công năng của thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở đã được quan tâm đẩy mạnh, tăng cường. Một trong những công việc để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở là tổ chức củng cố, xây dựng, phát triển phong trào văn nghệ thể thao, quần chúng, trong đó nòng cốt là xây dựng duy trì hoạt động các đội nhóm, câu lạc bộ văn nghệ, thể thao.
Hầu hết các địa phương ở Ninh Bình đều chú trọng phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, để từ đó nâng cao đời sống tinh thần của bà con nông dân... Nhiều mô hình hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao truyền thống và hiện đại đã được các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng duy trì hoạt động có hiệu quả như: Câu lạc bộ gia đình văn nghệ, Gia đình thể thao; CLB đàn, hát dân ca; CLB hát Chèo, Ca Trù,hát Xẩm; CLB, đội nhóm văn hóa, văn nghệ Cồng Chiêng, hát Đúm, Sắc bùa, hát giao duyên dân tộc Mường…
Huy động các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao
Có thể nói Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần vùng nông thôn; là nơi sinh hoạt cộng đồng nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu về văn hóa, nghệ thuật, vui chơi giải trí lành mạnh của người dân. Cùng với đó là nhiều hình thức hoạt động mang tính chất “tạo sân chơi” để học hỏi, giao lưu văn nghệ, thể thao và động viên phong trào như: Liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, các giải thể thao phong trào cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh đã được tổ chức thường xuyên.
Chỉ tính riêng cấp tỉnh hàng năm đã tổ chức nhiều hoạt động như: Giải Việt dã xã phường thị trấn; ngày chạy Olimpic vì sức khỏe toàn dân; giải vật Dân tộc; giải bóng chuyền; giải bóng đá nhi đồng; hội diễn nghệ thuật quần chúng; liên hoan các câu lạc bộ chèo không chuyên… Cuối năm ngoái, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh đã tổ chức thành công Hội thi văn nghệ thể thao các xã nông thôn mới với sự tham gia của gần 1.000 diễn viên, vận động viên không chuyên đến từ 42 xã nông thôn mới trong tỉnh.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng gia đình văn hóa;thôn/xóm/làng/bản văn hóa; thực hiện nếp sống văn hóa văn minh trong cộng đồng dân cư... được các địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện theo hướng gắn việc thực hiện những nội dung này với phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, đã tập trung vào tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, hòa thuận, đoàn kết tương trợ cộng đồng, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, gương mẫu chấp hành hương ước, quy ước của địa phương, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nếp sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông; thực hiện các nội dung phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, huy động các nguồn lực để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Phong trào đã đã được người dân tích cực tham gia thực hiện và đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Những kết quả cụ thể trong xây dựng Gia đình văn hóa, Làng, bản, thôn, xóm văn hóa và Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới đã góp phần quan trọng tạo diện mạo mới trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các xã nông thôn mới ở Ninh Bình.
Văn Dương
Ảnh: B. Hân