Từ đầu năm 2021, dịch cúm gia cầm xuất hiện rải rác ở nhiều tỉnh thành, gây thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi.
Đặc biệt, vào các giai đoạn giao mùa, thời tiết khắc nghiệt, nếu gia cầm sức đề kháng yếu sẽ dễ nhiễm bệnh. Dịch bệnh có nguy cơ lây lan và bùng phát.
Trước tình hình này, tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh cúm gia cầm.
Ảnh minh họa. Thanh Tùng |
Khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với các loại gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm phải đảm bảo tốt công tác vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường, nhất là sau khi tiếp xúc với nguồn lây…
Ngành chăn nuôi tỉnh Ninh Bình cũng khuyến cáo người dân chủ động tiêm vắc-xin và áp dụng các biện pháp khoa học, nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, ngăn chặn các chủng cúm gia cầm xuất hiện.
Theo Trung tâm Khuyến tỉnh, các hộ nuôi cần che chắn chuồng trại, tránh mưa tạt, gió lùa bằng hệ thống bạt dễ thao tác và tháo lắp khi thời tiết thay đổi đột ngột.
Khi nhiệt độ môi trường giảm hoặc xuống thấp cần chuẩn bị thiết bị sưởi như bóng điện, chụp sưởi…, chuẩn bị chất độn chuồng như trấu, mùn cưa…để giữ ấm cho đàn vật nuôi (nhất là gia súc, gia cầm còn non, mới đẻ).
Đồng thời tăng cường thu gom chất thải, quét dọn chuồng nuôi, hàng ngày rửa sạch máng ăn, máng uống. Định kỳ phun sát trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh chuồng bằng các loại hóa chất như vôi bột, Iodine,Vikol…(khu vực xung quanh chuồng nuôi ít nhất tháng 1 lần, trong chuồng nuôi ít nhất tháng 2 lần. Đồng thời, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh để hạn chế nơi trú ẩn của các vật trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve, rận, bọ chuột…
Tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Có thể sử dụng các loại thảo mộc có thành phần kháng sinh như tỏi, gừng, nghệ… trộn vào thức ăn hoặc nước uống của vật nuôi để phòng một số bệnh thường gặp khi thời tiết thay đổi đột ngột như hen suyễn, tiêu chảy, THT, CRD…
Với gia cầm có nhu cầu vận chuyển từ nơi này sang nơi khác cần chú ý đảm bảo đúng quy trình vận chuyển, thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Khi mua giống vật nuôi mới về, cần nuôi tại khu nuôi cách ly theo dõi ít nhất 10-15 ngày, khi con giống hoàn toàn khỏe mạnh mới nhập vào khu chăn nuôi chính. Hàng ngày kiểm tra theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi để phát hiện sớm những con có biểu hiện không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, thích nằm…) cần tách riêng để theo dõi, điều trị.
Nếu thấy gia cầm có biểu hiện triệu chứng nặng, lây lan nhanh cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Tuyết – (Nho Quan, Ninh Bình) cho biết, từ sau Tết, bà bắt đầu tái đàn gà. Trước khi tái đàn, bà thực hiện khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột. Chuồng để không đủ thời gian bà mới nhập giống về.
Mặc dù hiện nay trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm tương đối ổn định nhưng gia đình bà không vì thế mà chủ quan. Tất cả các đàn gà đưa về đều cách ly 15 ngày, quá tình nuôi được tiêm vắc-xin, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, tăng khả năng đề kháng.
"Tôi cũng làm theo hướng dẫn của ngành thú y, 2 tuần 1 lần rắc vôi, phun thuốc khử trùng, làm vệ sinh sạch sẽ chuồng trại cho đàn gia súc gia cầm”, bà nói.
Thanh Tùng