Thời gian vừa qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Bình với điểm tựa từ khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) đã đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị, từ đó nâng cao thu nhập, làm giàu cho nông dân tại các địa phương. Cũng nhờ các chuỗi giá trị, sản phẩm nông sản của tỉnh ngày càng vươn xa, khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Toàn tỉnh có 74 chuỗi liên kết với tổng diện tích liên kết hàng năm là hơn 2.700 ha với hơn 122 nghìn tấn sản phẩm đã được cung ứng thông qua các hợp đồng liên kết. Điển hình như HTX Đồng Xuân Tiến, huyện Yên Khánh ký hợp đồng với Công ty Giống cây trồng Trung ương và Công ty Giống cây trồng 1 sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao và lúa giống với quy mô 200 ha; HTX Hợp Tiến, huyện Yên Khánh ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Á Châu (TP. Tam Điệp) và Công ty Phú Hương (Hà Nội) thực hiện bao tiêu sản phẩm các loại như: ngô, dưa bao tử và khoai tây..
Bên cạnh đó, Ninh Bình đã có nhiều chính sách ưu tiên cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX tiếp cận với công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất trên các lĩnh vực. Nhờ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao có quy mô nhỏ và vừa, mang lại lợi nhuận gấp 1,5-2 lần so với trước đây.
Theo thống kê, hàng năm ngành Nông nghiệp Ninh Bình đã thực hiện bình quân 100 đề tài, chương trình, dự án, trên 400 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Đáng chú ý là việc phối hợp phục hồi và xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho một số sản phẩm đặc sản như: Khoai sọ Yên Quang, Dứa Đồng Giao, Ngao kim Sơn, Đào phai Tam Điệp, Chè Ba trại Quang Sỏi, Trà Hoa Vàng,...
Nổi bật nhất trong lĩnh vực trồng trọt với diện tích sản xuất áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đạt trên 34%. Đã hình thành 17 vùng rau củ quả an toàn; 6 vùng cây ăn quả như dứa, chuối, ổi, na và cây có múi... cho thu nhập trung bình 250-300 triệu đồng/ha/năm.
Đặc biệt mới đây, tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Theo đó, tỉnh Ninh Bình đặ mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, HTX nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; có từ 40% chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh là HTX nông nghiệp.
Mỗi huyện sẽ xây dựng ít nhất 1 mô hình HTX nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả; ưu tiên HTX nông nghiệp tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn; doanh thu bình quân đạt từ 05 tỷ đồng/năm trở lên; phù hợp với điều kiện, yêu cầu sản xuất kinh doanh ở mỗi địa phương, ngành hàng.
Bên cạnh đó, tỉnh đặt mục tiêu thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có 5% HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Đồng thời, phấn đấu 30% HTX nông nghiệp có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; giá trị sản phẩm/ha canh tác tăng từ 10%, doanh thu tăng từ 20%; hàng năm tổ chức các chương trình khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nông sản cho HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh Ninh Bình đã đặt ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể và người dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển HTX nông nghiệp; xây dựng mô hình HTXNN phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và địa phương; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ, liên kết sản xuất và xúc tiến thương mại; ưu tiên về vốn, tín dụng và nguồn lực cho HTX nông nghiệp…
Với nhiều mục tiêu và những giải pháp cụ thể sẽ góp phần tiếp tục củng cố, đổi mới HTX nông nghiệp về tổ chức, quản lý và hoạt động theo mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, tạo động lực mới với từng HTX nông nghiệp trong sản xuất kinh doanh, qua đó đóng góp hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình.