Cùng với hỗ trợ nông dân đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tập trung phổ biến, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, về tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến, người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Với tầm quan trọng đó, trong năm qua, Hội Nông dân tỉnh phối hợp hỗ trợ trao hơn 250.000 tem truy xuất nguồn gốc; xây dựng 18 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tiêu biểu là các mô hình: sản xuất rau theo hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ cao; nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại vùng ven biển huyện Kim Sơn; trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao; mô hình trồng đào áp dụng công nghệ tưới, tiêu tiết kiệm nước; nuôi dê núi theo chuỗi giá trị; các mô hình nuôi trồng thủy sản, trồng rau, củ, quả trong nhà lưới có hệ thống tưới tự động... 

Các hoạt động này đã và đang tạo ra độ tin cậy cho người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở cung cấp nông sản sạch và hàng hóa đạt chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Thành công bước đầu trong thực hiện Đề án "Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025" đã tạo tiền đề quan trọng để thời gian tới các cấp Hội Nông dân tiếp tục triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động đồng hành, giúp nông dân thích ứng với chuyển đổi số, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.