Là một tỉnh có những đặc điểm về dân số, địa lý, văn hóa mang tính chất đặc thù: có cả 3 vùng địa lý là vùng đồi núi và bán sơn địa, vùng đồng bằng ven biển và vùng chiêm trũng chuyển tiếp; mật độ dân số cao; là một điểm nút giao thông quan trọng với nhiều quốc lộ; nền văn hóa tương đối năng động, phát triển đa dạng, giàu truyền thống và bản sắc, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình luôn tận dụng những thời cơ, lợi thế, khắc phục những khó khăn, đương đầu với thách thức nhằm thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, về thực hiện các chính sách văn hóa nói riêng, trong đó chú trọng phát triển công tác gia đình trong những tình hình mới.
Thực hiện nghiêm các nội dung của Chỉ thị số 49-CT/TW, tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Thông tri số 30-TT/TU ngày 19/5/2005 về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố, các xã/phường/thị trấn ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện bám sát theo định hướng của Trung ương, Tỉnh ủy, đồng thời có sự vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, từ đó giúp người dân nâng cao nhận thức, hành động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Chỉ thị số 49-CT/TW.
Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trên địa bàn toàn tỉnh, chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh liên tục giảm. Việc giáo dục đời sống gia đình; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ được tăng cường; việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh cơ sở được phát huy.
Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” trên địa bàn tỉnh hàng năm tăng đều và giữ vững ở mức cao trong 10 năm trở lại đây. Phong trào xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh, đô thị” được Sở Văn hóa và Thể thao cùng các địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả tốt.
Công tác phòng, chống bạo lực gia đình luôn được quan tâm, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai lồng ghép nội dung hoạt động PCBLGĐ ở 1.670 tổ hòa giải ở cộng đồng dân cư; thành lập 943 nhóm phòng chống bạo lực gia đình; hình thành 1.169 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 170 cơ sở y tế khám, chữa bệnh và tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình; 1410 câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững; đã thiết lập 143 đường dây nóng. Công tác phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình đã được chính quyền, đoàn thể và người dân quan tâm hơn.
Việc bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ tư vấn và khám chữa bệnh cho nạn nhân bạo lực gia đình được bố trí tại các trạm y tế xã phường, thị trấn đã giúp cho công tác hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình được kịp thời. Việc can thiệp các vụ bạo lực gia đình thường được thực hiện tại địa bàn dân cư và do các Nhóm PCBLGĐ thực hiện.
Để có được những kết quả nói trên trước tiên phải nhắc đến sự chuyển biến về nhận thức và ý thức trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội trong công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kế đến là công tác tuyên truyền giáo dục, vận động - nhiệm vụ trọng tâm và then chốt trong việc triển khai và thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Công tác tuyên truyền về công tác gia đình luôn được tỉnh chú trọng thực hiện từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tuyên truyền, cổ động trực quan; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền thông qua các hoạt động tập huấn, tổ chức các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, họp tổ, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm... Nội dung tuyên truyền tập trung vào Chỉ thị số 49-CT/TW; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Trẻ em và các văn bản liên quan về gia đình...
Từ kết quả tuyên truyền, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và người dân về vai trò, vị trí của gia đình và công tác gia đình đã được nâng lên. Các nhiệm vụ, chỉ tiêu về xây dựng gia đình đã được đưa vào nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhiều chính sách ưu tiên về phát triển văn hóa, xây dựng đời sống người dân được quan tâm thực hiện, từ đó việc triển khai các hành động cụ thể tiến tới hoàn thành mục tiêu của Chỉ thị dần được hiện hữu rõ nét.
Song song với các hoạt động đó không thể không kể đến hiệu quả của các phong trào, mô hình thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục đời sống gia đình trên địa bàn toàn tỉnh như: Mô hình “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; các phong trào xây dựng “Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Góc tư vấn về giáo dục đời sống gia đình, giáo dục trước hôn nhân, tư vấn tiền hôn nhân” tại 01 xã ở mỗi huyện, thành phố của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp;
Phong trào “Giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”; Mô hình “Dòng họ tự quản”; “Xóm, phố bình yên, gia đình hạnh phúc” của Công an tỉnh; phong trào xây dựng “Gia đình nông dân hạnh phúc” của Hội Nông dân; phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo” của Hội Người Cao tuổi, công tác phối hợp, quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư, chậm tiến có nguy cơ vi phạm pháp luật tại các địa phương trong tỉnh…
Những mô hình và hoạt động này đã khơi dậy các mối quan hệ, truyền thống tốt đẹp trong gia đình, tạo nên nền nếp, gia phong, sự êm ấm, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng hạnh phúc của mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng.
Bên cạnh đó, việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở; công tác đào tạo cán bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành về công tác gia đình, việc huy động nguồn lực để thực hiện công tác gia đình cũng được chú trọng thực hiện; Công tác sơ kết, tổng kết, kiểm tra, giám sát, khen thưởng được đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ.
Có thể nói rằng, so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị thì hiện nay, kết quả công tác gia đình về mọi mặt đã có những bước tiến mới, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.
Để thực hiện có hiệu quả công tác gia đình trong thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị số 49-CT/TW. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác gia đình. Thực hiện chính sách ưu tiên phát triển kinh tế gia đình.
Tiếp tục duy trì, củng cố, nâng chất, nhân rộng các mô hình “Phòng, chống bạo lực gia đình”, câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”... Làm tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe vị thành niên. Bảo đảm nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác gia đình.
Củng cố và ổn định bộ máy làm công tác gia đình ở các cấp, đặc biệt là cấp huyện và cấp cơ sở, đẩy mạnh đào tạo cán bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành về công tác gia đình… từ đó nâng cao chất lượng việc thực hiện công tác gia đình, góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.