Đối với những bác sĩ vùng cao, niềm vui trong công việc đơn giản chỉ là người dân từng bước thay đổi trong nhận thức về chăm sóc sức khỏe, không trông chờ vào thầy lang thiếu uy tín hay cúng bái.
Đang trong ca trực, điều dưỡng viên Bùi Thị Thiết, Trạm Y tế xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình, nhận tin một sản phụ 20 tuổi có dấu hiệu chuyển dạ, đã được đưa đến cổng trạm.
Sản phụ vừa được đưa lên bàn đẻ đã có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Dù thầy thuốc tư vấn gia đình nên chuyển bệnh nhân lên Trung tâm Y tế huyện nhưng gia đình cho đó là do “ma làm” nên vội về xin thuốc thầy lang và cúng bái, nhất định không chuyển tuyến.
Lo bệnh nhân có diễn biến xấu, thầy thuốc tại trạm dự định cho sản phụ lên cáng khiêng bộ 1km ra đường lớn mới có xe đi. Nhưng khi vừa ra đến cổng, cổ tử cung mở hết, sản phụ buộc phải sinh con tại trạm.
Ca sinh "mẹ tròn con vuông", lúc này người nhà mới đưa nước thuốc về tới trạm. “Tôi nói với gia đình, đây là bằng chứng rõ ràng cho việc sản phụ sinh con thuận lợi hay không không liên quan đến nước thuốc hay cúng bái. Sau lần đó, gia đình hoàn toàn tin thầy thuốc, có vấn đề sức khỏe liền gọi y tế thôn, xã đầu tiên”, chị Thiết chia sẻ câu chuyện cách đây không lâu.
Xã Quyết Thắng nơi chị Thiết công tác là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Lạc Sơn 14km. Dân số đông, đại đa số là người dân tộc Mường. Đường xá khó khăn, nhân lực Trạm Y tế xã ít ỏi, để tuyên truyền về y tế, dân số, chị Thiết và các cán bộ của trạm phải phân chia thời gian đến từng thôn, xóm hoặc hộ gia đình. Chị nhớ những lần sau đợt mưa lớn, cùng y tế thôn bản hoặc cô đỡ thôn bản lội bộ, bùn bám chặt chân 3-4 km tới những xóm trên rừng.
“Được tư vấn, tuyên truyền, hiện nay xã không còn trường hợp sinh con tại nhà. Hầu hết thai phụ đều được khám thai tối thiểu 4 lần. Trong nhiều năm không có tử vong mẹ, số trẻ em bị suy dinh dưỡng giảm dần, 100% bà mẹ được tiêm phòng uốn ván”, nữ cán bộ y tế cho biết.
Cũng thuộc vùng cao đặc biệt khó khăn, xã Ngọc Sơn, huyện Lạc Sơn, gần đây đã thành lập 3 mô hình điểm chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời. Hàng tháng, Trạm Y tế xã mở các lớp truyền thông, trình diễn bữa ăn. Bên cạnh việc truyền thông trực tiếp cho các phụ nữ có thai, phụ nữ sau sinh, cán bộ y tế còn phối hợp với hội phụ nữ, đoàn thanh niên xã hoặc đưa nội dung làm mẹ an toàn vào các sinh hoạt cộng đồng, dòng họ…
Không chỉ tăng cường tuyên truyền, vận động phụ nữ và gia đình thực hiện các biện pháp làm mẹ an toàn, như đi khám thai định kỳ, sinh con tại các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe sau sinh, mà những buổi tuyên truyền cho các bà mẹ sau sinh cũng không quên “nhắc nhở” chị em ghi nhớ kế hoạch hóa gia đình an toàn, tránh mang thai ngoài ý muốn,…
Tham gia buổi tư vấn làm mẹ an toàn tại trạm Y tế xã Ngọc Sơn cuối tháng 9, chị Bùi Thị Luyến, 37 tuổi, chia sẻ lần sinh con trước, chị đi làm thuê ở nước ngoài, không được tư vấn đầy đủ, nghĩ cứ mang bầu và mẹ tròn con vuông là xong.
"Từ khi dự định mang bầu lần 2, được cán bộ y tế tư vấn bổ sung sắt, canxi, đến lúc mang bầu, được tư vấn tiêm phòng, khám thai, chế độ dinh dưỡng. Bác sĩ tại trạm cũng dặn dò có dấu hiệu sinh thì cần gọi ai, dấu hiệu nào cần đi viện ngay…”, chị chia sẻ.
Vui nhất là người dân tin tưởng cán bộ y tế
Y sĩ Nguyễn Thị Liên, Phó trưởng trạm Y tế Ngọc Sơn, cho hay niềm vui lớn nhất của cán bộ y tế ở vùng cao là được người dân tin tưởng. Nhiều người muốn tìm hiểu kiến thức về nuôi con, làm mẹ, tránh thai, nhưng lên mạng hoặc nghe truyền miệng không tin tưởng nên đến hỏi thầy thuốc.
Nữ hộ sinh Quách Thúy An, Trạm Y tế xã Quyết Thắng, cho hay hầu hết các bà mẹ sắp sinh, mới sinh đã hiểu trẻ nhỏ cần được cho bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, nhưng một số chị em vẫn phụ thuộc bố mẹ, chăm sóc trẻ theo phong tục, tập quán cũ.
"Tại không ít gia đình, mẹ trẻ đi làm sớm khi chưa qua 6 tháng thai sản, phải "giao khoán" con cho ông bà trông. Thấy trẻ khóc hoặc gầy so với con người khác, ông bà sốt ruột, lo lắng và cho rằng sữa mẹ không đủ, không có dinh dưỡng hoặc trẻ khát, nên cho ăn dặm sớm khi chưa đủ 6 tháng, bú thêm sữa ngoài hoặc uống thêm các loại nước", chị An cho hay.
Vì thế, nhiệm vụ của những thầy thuốc vùng cao như chị An, chị Thiết hay y sĩ Liên... cùng lực lượng y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản, là tuyên truyền kịp thời không chỉ cho các bà mẹ có thai, mà còn tư vấn cho chồng và người thân của các thai phụ, sản phụ. Nhiều gia đình trước đây vì không hiểu biết nên bữa cơm cữ rất kiêng khem, chỉ làm thịt kho rất mặn, thậm chí cháy khô; không rau, không canh, không cá, tôm, hoa quả...
"42 ngày sau sinh của sản phụ, chúng tôi đến thăm ít nhất 3 lần, xem tận từng bữa ăn của họ. Khi thấy gia đình đổi món, có thịt các loại, cá tôm không sợ tanh, có rau... vậy là chúng tôi nhìn thấy thành công", điều dưỡng Bùi Thị Thiết chia sẻ. Không ít trường hợp sản phụ vì hoàn cảnh khó khăn, rất e ngại cán bộ tới thăm nhà sau sinh, sợ bị nhìn thấy mâm cơm thiếu thốn nên tìm lý do lảng tránh, nhưng những cán bộ như chị An, chị Thiết càng gần gũi động viên, trò chuyện như một người bạn.
"Khi họ coi mình là bạn, họ sẽ chia sẻ. Chúng tôi cũng tư vấn nếu không có đủ gạo có thể ăn nhóm tinh bột khác, nếu khó khăn, chúng tôi sẽ làm cầu nối để cộng đồng giúp đỡ họ", chị cho hay.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, cho biết 99% bà mẹ, trẻ sơ sinh được thực hiện chăm sóc y tế trước, trong và sau sinh, giảm thiểu tai biến sản khoa, không có ca tử vong mẹ. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi thấp hơn trung bình cả nước.
Tuy nhiên, chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại Hòa Bình còn gặp nhiều khó khăn. Một số trạm y tế xã chưa có đầy đủ những trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh, thiếu tài liệu phương tiện truyền thông tại cộng đồng.
Thực tế tại Trạm Y tế xã Ngọc Sơn và Quyết Thắng của huyện Lạc Sơn, nhân lực y tế rất thiếu so với dân số. Cán bộ y tế tại đây rất mong được cấp thêm tài liệu truyền thông, tờ rơi, tranh, ảnh phù hợp với người dân tộc thiểu số. Cùng đó, đường sá khó khăn, dù người dân muốn được đến trạm xá để siêu âm thai kỳ thuận tiện nhưng vì trạm chưa được cấp máy siêu âm nên phải đi đường xa lên thị trấn.