Trong chỉ thị đôn đốc nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải khẩn trương tập trung ngay vào công việc, bảo đảm kịp thời, chất lượng, hiệu quả, không để chậm trễ, tạo không khí phấn khởi và khí thế mới.
Thủ tướng yêu cầu cán bộ, công chức và các cơ quan thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, đặc biệt là những công việc tồn đọng, chậm tiến độ do nghỉ Tết.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
Thách thức lớn nhưng cũng nhiều thuận lợi để hoàn thành các mục tiêu
Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhớ lại bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm 2022, dẫn đến các vấn đề đều ‘cực kỳ khó khăn’, thậm chí tâm lý trong xã hội khi đó đều rất bi quan.
“Khó khăn như vậy, nhưng năm 2022, tốc độ tăng trưởng vẫn đạt được kết quả mỹ mãn, khoảng 8,02%”, ông Lâm nói.
Tuy nhiên, năm 2023, nhận định nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Theo ông Trần Văn Lâm, so với năm Nhâm Dần vừa qua, năm Quý Mão 2023 có nhiều thuận lợi hơn để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ sở để ông Lâm đưa ra nhận định như vậy là do dịch bệnh đã được kiểm soát, hơn nữa cũng đã có kinh nghiệm ứng phó với Covid-19. Xung đột giữa Nga và Ukraine chưa chấm dứt, nhưng các nền kinh tế trên thế giới dần thích nghi với điều này.
Ông Trần Văn Lâm cho rằng, cùng với việc thị trường thế giới dần ổn định, Trung Quốc mở cửa trở lại là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nhiều mặt hàng.
Đặc biệt, thị trường chứng khoán, bất động sản trong nước từng bước ổn định sau khi ‘xác định đúng vấn đề’, đưa ra giải pháp kịp thời.
“Tất cả những yếu tố trên tạo cho chúng ta niềm tin năm 2023 và giai đoạn năm 2025 sẽ phát triển một cách vững chắc hơn, ổn định hơn và đạt được mục tiêu đã đề ra”, ông Trần Văn Lâm nói.
Theo ông Trần Văn Lâm, không chỉ trong năm 2023, khó khăn, thách thức lúc nào cũng có, nhưng vấn đề là phải nhận thức, nhận diện được để đưa ra những giải pháp vượt qua.
“Cơ quan chức năng nêu ra những khó khăn, thách thức trong năm 2023 để nhắc nhở không được thoả mãn với những kết quả đạt được trong năm qua. Tuy nhiên, cũng không nên thấy những khó khăn, thách thức mà mất đi ý chí, ngược lại phải quyết tâm, phấn đấu để đạt được kết quả cao nhất”, ông Lâm nhấn mạnh.
Vào cuộc ngay từ ngày đầu, tháng đầu cho nhiệm vụ năm 2023
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh như hiện nay, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 cũng là một thách thức rất lớn.
Theo ông Trương Xuân Cừ, để đạt được mục tiêu đặt ra trong năm 2023, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương phải cùng vào cuộc gánh vác, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp.
“Đặc biệt, ngay đầu năm 2023, Trung Quốc đã mở cửa trở lại, chúng ta phải tích cực xuất khẩu sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân. Có như vậy mới bù đắp được những khoảng trống của thị trường châu Âu, Mỹ để lại”, ông Trương Xuân Cừ nói.
Để làm được điều đó, theo ông Trương Xuân Cừ, mỗi cơ quan không để xảy ra tình trạng ăn Tết kéo dài, tâm lý tháng Giêng là tháng ăn chơi, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, công việc của quý đầu năm 2023. “Nếu cả xã hội cùng vào cuộc ngay từ ngày đầu, tháng đầu, tôi tin mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 là khả thi”, ông Trương Xuân Cừ nói.
Theo PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để đạt được thành tích tăng trưởng cao như năm 2022 vừa qua là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị ngay từ đầu năm.
“Chưa có năm nào, các chính sách được thực hiện một cách quyết liệt, sát sao như vậy”, ông Trần Kim Chung nhận định.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, năm 2023, cơ hội và thách thức song hành. PGS.TS. Trần Kim Chung nêu ra nhiều ‘điểm sáng’ trong năm Quý Mão như vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy vào Việt Nam; các chính sách đi vào thực tiễn; sự tích cực của hệ thống chính trị tiếp tục được phát huy.
PGS. TS. Trần Kim Chung cũng chỉ ra những thách thức, lo ngại về viễn cảnh đợt suy thoái mới của nền kinh tế toàn cầu. Hoặc, cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục diễn ra, điều đó ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta.
“Năm 2022 khó khăn, thách thức như vậy mà chúng ta đều thích nghi được, chống đỡ được thì tình hình năm 2023 không quá lo ngại”, PGS.TS. Trần Kim Chung nói thêm.
Để năm 2023 tiếp đà thành tích như năm 2022, theo PGS.TS. Trần Kim Chung, cần tập trung rà soát gỡ bỏ các rào cản đầu tư. Cải thiện môi trường đầu tư để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong đẩy mạnh xuất nhập khẩu và tạo việc làm.
Bên cạnh đó cần tăng cường hoạt động của 3 ban chỉ đạo khắc phục các khó khăn của nền kinh tế được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2022. Trong đó, tập trung xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 và năm 2024. Đồng thời, xử lý linh hoạt vấn đề lãi suất, tín dụng để vừa nâng đỡ thị trường vừa tránh được lạm phát.
Đặc biệt, theo PGS.TS. Trần Kim Chung, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các công trình hạ tầng quan trọng. Phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công dự kiến và hoàn thành đầy đủ các hạng mục công trình đầu tư công.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, nghiên cứu, ban hành 3 luật liên quan đến thị trường bất động sản theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 Khóa XIII: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.