Ngày 29/10, cả thế giới chú ý việc công ty mẹ của mạng xã hội Facebook chính thức đổi tên thành Meta, như một cách nhấn mạnh định hướng metaverse (vũ trụ ảo).
Tầm nhìn về vũ trụ ảo của Meta rất rộng. Ngoài những hoạt động giải trí, Meta muốn xây dựng thế giới ảo cho công sở, hoặc phát triển những ứng dụng hướng tới sức khỏe.
Tuy không xây dựng vũ trụ ảo rộng như Meta, nhiều công ty đã tạo ra thế giới ảo trong game hoặc các ứng dụng đặc thù. Thị trường này đặc biệt phát triển trong lĩnh vực blockchain và tiền mã hóa.
Động thái đổi tên, tập trung vào metaverse của Facebook khiến nhiều người quan tâm hơn đến các dự án vũ trụ ảo. Ảnh: Facebook. |
Đây chính là những "đối thủ" của Meta trong tương lai. Đó là lý do ngay sau khi Facebook công bố vũ trụ ảo và đổi tên công ty, giá các đồng coin metaverse đã tăng mạnh.
Thị trường nhiều "bánh vẽ"
Bên cạnh NFT, metaverse cũng là trào lưu nở rộ trên thị trường tiền mã hóa trong năm 2021. Như Facebook nhận định “metaverse là tương lai”, các dự án tiền mã hóa gắn mác “metaverse” cũng tự hào về tiềm năng trong tương lai của mình.
Tổng vốn hóa của các dự án metaverse trong ngày 29/10 tăng đến 18,9%, chạm mốc 15,3 tỷ USD. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch trong 24 giờ tăng đến 93%, đạt 4,6 tỷ USD.
Đà tăng trưởng này được thúc đẩy phần lớn bởi “hiệu ứng đám đông” - hay được biết đến với thuật ngữ FOMO (Fear of missing out - tâm lý sợ bỏ lỡ). Cộng đồng chỉ ăn theo trào lưu “metaverse” từ việc đổi tên của Facebook, nhanh chóng mua vào các đồng coin này với kỳ vọng giá tăng. Nếu may mắn, số tiền đầu tư ban đầu sẽ gia tăng nhanh chóng chỉ sau một thời gian ngắn.
Sandbox là thế giới ảo rộng lớn hàng đầu trong thị trường tiền mã hóa, nơi người chơi có thể làm mọi điều với đất đai và nhân vật của mình. Ảnh: Sandbox. |
Hiện tượng đầu cơ không còn quá hiếm thấy trong thị trường tiền mã hóa, nơi mà nhiều người dùng mới tham gia không hề nắm rõ về các công nghệ của từng đồng coin, mà chỉ biết mua bán theo trào lưu, theo từ khóa.
Nhiều dự án “vẽ” ra các viễn cảnh ấn tượng, nơi người dùng sinh sống, giao tiếp, hoạt động trong một thế giới ảo đầy màu sắc. Ở trung tâm của thế giới đó, các đồng token của dự án hứa hẹn sẽ được sử dụng như đồng tiền tệ để vận hành mọi thứ.
Từ đó, dự án dễ dàng bơm vào đầu người dùng ý tưởng rằng đồng token của dự án sẽ rất hữu ích, sẽ có nhu cầu rất cao trong thế giới ảo. Vì vậy, thông điệp chung của những dự án "bánh vẽ" là hãy mua ngay hôm nay và chờ giá tăng mai sau.
Những dự án metaverse đã xuất phát trước
Metaverse là một khái niệm rộng lớn, nên việc hiện thực hóa viễn cảnh đó để trở thành sản phẩm thực là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Đến với lĩnh vực tiền mã hóa, nhiều dự án thậm chí chỉ dùng từ khóa metaverse để tạo sự tin tưởng ban đầu, dễ dàng kêu gọi vốn rồi ôm tiền bỏ chạy.
Trên thực tế hiện nay, thị trường tiền mã hóa hiện chỉ có một vài dự án metaverse nổi bật, đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư dù chưa thực sự giải quyết được các vấn đề của đời sống.
Decentraland (MANA)
Thế giới ảo của Decentraland được phân chia thành các mảnh đất với kích thước 16x16. Mỗi mảnh đất này được đại diện bởi một NFT - token độc nhất, không thể thay thế. Đồng MANA được xem như tiền tệ trong game, dùng để mua bán các mảnh đất và làm phương tiện giao dịch cho mọi hoạt động.
Decentraland là một trong những dự án metaverse lâu đời nhất trong thế giới blockchain. Ảnh: Decentraland. |
“Chủ đất” trong game cũng sẽ nhận được thu nhập từ bất động sản của mình, có thể ghép các mảnh đất liền kề để xây dựng thành kiến trúc độc đáo của riêng mình. Phong cách chơi Decentraland cũng tương tự như trò Minecraft nổi tiếng.
Decentraland có thể xem là dự án “cây đa cây đề” trong làng metaverse tiền mã hóa. Gần đây nhất, Decentraland đã tổ chức một lễ hội quy mô lớn, quy tụ hơn 80 nghệ sĩ hàng đầu với 5 sân khấu ảo hoành tráng được xây dựng hoàn toàn trong thế giới game.
The Sandbox (SAND)
Rộng lớn hơn cả Decentraland, người chơi gần như có thể làm mọi điều trong thế giới The Sandbox. Ngoài đất đai, người dùng sẽ sở hữu nhân vật đại diện cho NFT, xây dựng, thu thập và phát triển thế giới của riêng mình.
Mọi vật phẩm trong game đều có thể tiền tệ hóa để mua bán, trao đổi. Và đồng SAND chiếm vị trí trung tâm trong dòng luân chuyển tiền tệ đó.
Enjin Coin (ENJ)
Khác với hai cái tên trên, Enjin Coin là một dự án blockchain với mục đích trở thành nền tảng để xây dựng các metaverse khác nhau.
Enij được tạo ra như nền tảng để các dự án khác xây dựng những vũ trụ ảo khác nhau. Ảnh: Metahub. |
Các trò chơi xây dựng trên Enjin sẽ có từng loại NFT riêng, cùng vật phẩm mở bán trên marketplace. Đồng ENJ sẽ được dùng để mua bán những vật phẩm đó.
Đến nay, hệ sinh thái Enjin đã có hơn 55 nhà phát triển, ứng dụng trò chơi trực tuyến và vinh dự trở thành token gaming đầu tiên tại xứ sở hoa anh đào.
Axie Infinity (AXS)
Cuối cùng, nhắc đến metaverse coin thì không thể không nhắc đến Axie Infinity. Tựa game blockchain do người Việt xây dựng này đang dẫn đầu trào lưu thế giới ảo trong thị trường crypto. Đồng AXS gần đây đã tăng phi mã trong nhiều tuần liên tiếp, chứng tỏ độ hot của trò chơi này.
Axie Infinity là game nổi bật trong mô hình kiếm tiền (Play-to-Earn). Tuy nhiên, game này hiện tại bị đánh giá là khó tham gia, do người chơi phải bỏ khoảng 1.000 USD để bắt đầu. Ảnh: Ira Lichi. |
Khái niệm metaverse đã làm mưa làm gió trong thị trường crypto nhiều tháng qua. Cùng với NFT và các thể loại blockchain game, thế giới ảo của các dự án metaversre giúp hoàn thiện nên bức tranh về cách mà blockchain và tiền mã hóa sẽ được sử dụng trong thực tế như thế nào.
Việc Facebook nổi tên mang đến sự chú ý nhất định cho các đồng metaverse coin. Tuy nhiên, nếu dự án không có lộ trình phát triển lâu dài, sản phẩm thực tế mà chỉ tận dụng “buzzword” để kêu gọi đầu tư thì sẽ nhanh chóng bị đào thải khỏi thị trường này.
Thông tin về loại coin trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Zing News. Hoạt động đầu tư tiền số chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.
Theo Zing
Các hãng công nghệ định làm gì với vũ trụ ảo?
Các chuyên gia cho rằng dù "vũ trụ ảo" (metaverse) có nhiều tiềm năng, các tổ chức công nghệ vẫn nên tập trung nhiều hơn vào an ninh mạng.