Liên tiếp những vụ kiện nhắm vào doanh nghiệp
Đầu tháng 11/2022, ông Trần Văn Sang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cát Tường bất ngờ nhận được một số văn bản từ Chi cục Thi hành án (THA) dân sự TP Mỹ Tho, trong đó có bản án sơ thẩm vụ “tranh chấp hợp đồng vay” của tòa án.
Lúc này, ông Sang mới 'giật mình' phát hiện mình là bị đơn trong 1 bản án của TAND TP Mỹ Tho.
Theo đó, trong bản án ngày 13/9/2022, toà tuyên buộc ông Sang trả 4 tỷ đồng và 730 triệu đồng tiền lãi phát sinh cho bà N.T.H.P. Chứng cứ trong hồ sơ là giấy viết tay ông Sang có vay bà P. 4 tỷ đồng.
Ông Sang tìm hiểu và xác định, mình chưa từng nhận được bất kỳ văn bản nào của toà án gửi về nơi cư trú, đồng nghĩa với việc ông hoàn toàn không biết gì về vụ kiện mà mình là bị đơn.
Bất ngờ hơn, cuối tháng 8/2023 bà P. có đơn đề nghị xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm và khẳng định, không quen biết, chưa từng làm ăn hay giao dịch vay mượn tiền với ông Sang. Số tiền 4 tỷ nói trên là một người khác vay, ông Sang chỉ là người ký thay. Bà cũng nói rõ, việc kiện ông Sang ra toà là không đúng và yêu cầu đình chỉ toàn bộ quyền lợi được hưởng theo bản án.
Tiếp đó, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TPHCM cũng ra quyết định kháng nghị, đề nghị Uỷ ban thẩm phán toà án đồng cấp xử tái thẩm theo hướng huỷ bản án, tạm đình chỉ thi hành án. Đến nay, ông Trần Văn Sang vẫn liên tục tố cáo thẩm phán TAND TP Mỹ Tho ra bản án trái pháp luật.
Trong một vụ án khác, ông Trần Văn Sang có đơn gửi đến Công an Tiền Giang, Bộ Công an và Viện KSND tối cao tố cáo ông T.V.T. (cùng ngụ tại TP Mỹ Tho) về hành vi “cho vay nặng lãi” và "cưỡng đoạt tài sản”.
Cụ thể, bản án sơ và phúc thẩm ở Tiền Giang buộc ông Sang trả cho ông T. 100 tỷ đồng tiền vay mượn cùng tiền lãi suất hơn 21 tỷ đồng. Theo đơn kiện của ông T., ông Sang có 3 lần xác lập giấy vay mượn tiền. Lần đầu 3 tỷ đồng, lần 2 là 29,5 tỷ đồng, lần 3 là 97,7 tỷ đồng, đều là tiền giao dịch mua bán trái cây (trái thanh long). Lãi suất vay là 1,5 %/tháng.
Khi xét xử, các cấp toà không xem xét về giấy vay 29,5 tỷ đồng vì ông T. không cung cấp được bản chính. Toà buộc ông Sang trả 2 khoản, tổng cộng trên 121 tỷ đồng như trên.
Quá trình giải quyết vụ án, ông Sang và VKSND TP Mỹ Tho đều có đơn đề nghị và kháng nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra nhưng không được toà xem xét.
Theo đơn tố cáo, trước đây ông Sang mượn tiền ông T. lãi suất 5 – 10%/ngày để đáo hạn ngân hàng. Khi Công an Tiền Giang khởi tố vụ án từ tố cáo của đối tác là Công ty Hồng Lĩnh (như đề cập trong bài 1- P.V), ông Sang còn nợ ông T. 5 tỷ đồng tiền mua bán thanh long. Do không giải quyết được nên khoản nợ này bị tính lãi suất.
Năm tháng sau, ông T. ép ông Sang ký vào giấy nợ 29,5 tỷ đồng, lần kế tiếp là 97,7 tỷ đồng. Theo ông Sang đề cập, khi đó sở dĩ ông buộc phải ký giấy nợ vì bị ông T. và một số cá nhân liên tục khủng bố tinh thần.
Trong nội dung tố cáo, ông Sang khẳng định, lần ký giấy nợ 97,7 tỷ đồng là ông bị ông T. cưỡng ép, buộc viết giấy theo nội dung có sẵn.
Trong tiến trình xử lý vụ việc, cuối năm 2023, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TPHCM có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án theo hướng, khoản vay lần đầu (3 tỷ đồng) của ông Sang, phía công ty Cát Tường đã xuất phiếu chi trả 2,5 tỷ đồng nhưng các cấp toà chưa làm rõ việc này. Còn khoản nợ 97,7 tỷ đồng cho rằng là công nợ mua bán thanh long, phía toà chưa chứng minh được ông T. xuất bán có khối lượng hàng hoá là bao nhiêu? Có đưa vào hệ thống tài chính, kế toán của 2 công ty hay không?
Viện trưởng VKSND cấp cao tại TPHCM đề nghị Uỷ ban thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng huỷ bán án sơ thẩm, phúc thẩm để giải quyết vụ án lại từ đầu.
Ngoài ra, ông Đoàn Văn Sang (Tổng giám đốc công ty Cát Tường) và ông Trần Văn Sang còn có đơn tố cáo một số cá nhân khác đến Công an tỉnh Tiền Giang và Bộ Công an. Hai ông cho rằng, những người này lợi dụng lúc DN “khủng hoảng” khi bị khởi tố trong vụ án có dấu hiệu hình sự hoá quan hệ kinh tế, họ nhân cơ hội “đục nước béo cò” để lừa dối, ép buộc các ông nhằm chiếm đoạt tài sản.
Cần làm rõ các hợp đồng 'vay giả cách'
Trong một vụ việc khác, bản án dân sự buộc ông Trần Văn Sang trả cho ông M.C.T. (người ở địa phương) 8 thửa đất tại huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cùng số tiền thuê đất là 500 triệu đồng. Việc xuất phát là ông M.C.T. khởi kiện ông Sang ra toà đòi lại 8 thửa đất cho ông Sang thuê từ tháng 6/2020 nhưng tới nay không trả.
Quá trình tham gia tố tụng, ông Sang cho rằng ông M.C.T đã lừa đảo và hiện tại có đơn tố cáo ông này.
Cụ thể, trong đơn tố cáo, ông Sang cho rằng vào thời điểm Công ty Cát Tường nợ xấu, không thể vay ở các tổ chức tín dụng. Ông M.C.T. là người cung cấp thanh long cho Công ty đã tiếp cận đề nghị là người đứng ra vay dùm.
Ông M.C.T. đã huy động số tiền 18,5 tỷ đồng để thanh toán nợ cho Công ty Cát Tường, nhằm xoá thế chấp 8 mảnh đất. Sau đó, ông Sang và ông M.C.T ký hợp đồng giả cách mua bán 8 thửa đất, trong đó ông Sang ký hợp đồng thuê lại đất của chính mình.
Sau khi ký hợp đồng, ông M.C.T bất ngờ bội ước, chiếm đoạt luôn tài sản và kiện ông Sang ra toà đòi 8 mảnh đất.
Về bản án dân sự, đến nay Chi cục THA dân sự huyện Tân Phước đang tạm hoãn thi hành án theo yêu cầu của Viện KSND cấp cao tại TPHCM, do cơ quan này đang nghiên cứu hồ sơ để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm.
Trong đơn tố cáo, ông Sang cho biết, thời điểm đó giá trị 8 mảnh đất là trên 100 tỷ đồng; ông ký hợp đồng chuyển nhượng giả cách để ông M.C.T. vay vốn dùm, việc này có 1 số nhân chứng biết rõ.
Hiện, ông Sang đã có đơn tố cáo sự việc đến Bộ Công an và mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra làm rõ, xử lý các đối tượng theo đúng quy định pháp luật.