Mưa lớn, lũ quét sau cơn bão số 3 đã và đang gây ra những thiệt hại nặng nề cho người dân ở các khu vực đồng bằng và miền núi của khu vực phía Bắc. Bên cạnh công tác cứu hộ cứu nạn của các lực lượng chức năng, nhiều nhóm thiện nguyện cũng đã sẵn sàng tham gia vào việc cứu trợ vùng lũ bằng hàng chục, hàng trăm chuyến xe chở nhu yếu phẩm đến những người dân gặp khó khăn.
Tuy nhiên, để có thể di chuyển được tới những vùng khó khăn đó, những chiếc xe chở hàng cũng cần phải chuẩn bị và kiểm tra thật kỹ lưỡng trước mỗi chuyến đi.
Chia sẻ với PV VietNamNet, anh Đỗ Hoàng Trung, chủ trung tâm dịch vụ ô tô PAC (Hà Nội) cho biết: "Điều đầu tiên để nghĩ đến việc có thể tham gia cứu trợ những vùng ngập lụt, phương tiện đó phải là dòng xe SUV hoặc bán tải 2 cầu. Nếu xe chỉ dẫn động bánh trước hoặc bánh sau, tốt nhất không nên sử dụng để tránh biến mình thành xe gặp nạn trong khi đi cứu nạn."
Theo anh Trung, nếu đó là một chiếc xe gầm cao 2 cầu, chủ xe cần kiểm tra kỹ các lốp xe, kể cả lốp dự phòng. Lốp dự phòng cũng cần có kích thước tương đương với lốp chính.
Do phải di chuyển tới những vùng có điều kiện địa hình xấu, nếu điều kiện cho phép, chủ xe nên sử dụng các loại lốp xe chuyên dụng chạy địa hình. Trong khi đó, việc kiểm tra phanh sẽ bằng cách đạp phanh vài lần trong quá trình chạy thử.
Tiếp theo, chủ xe tiến hành kiểm tra các loại dung dịch bao gồm dầu phanh, dầu động cơ, nước làm mát động cơ bằng cách quan sát các bình chứa dung dịch trong khoang động cơ. Đặc biệt, thứ mà nhiều chủ xe thường hay bỏ qua chính là nước rửa kính. Thêm vào đó là hệ thống đèn chiếu sáng và cần gạt mưa của xe. Vì nếu di chuyển trong tình trạng tầm nhìn bị hạn chế, điều này sẽ rất nguy hiểm.
Ngoài ra, bộ phận lọc gió động cơ cũng phải kiểm tra. Nếu lọc gió động cơ bám bụi nhiều, hãy vệ sinh bằng cách xịt sạch bụi bẩn. Tuy nhiên, nếu phát hiện lọc gió động cơ có dấu hiệu bị ngấm nước, cần phải thay thế để tránh xảy ra những hỏng hóc không đáng có cho động cơ.
Cuối cùng, "chủ xe cũng cần chuẩn bị một số dụng cụ cứu hộ trong trường hợp xe bị hỏng hóc hoặc bị sa lầy trên đường như dây cáp, dây cầu bình ắc quy hoặc bộ kích bình ắc quy cầm tay, bơm điện, đèn pin, thậm chí là cả áo phao", anh Trung nhấn mạnh thêm.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!