Hiện nay, không khó bắt gặp trên đường những phương tiện vượt xe khác thiếu an toàn, thậm chí cố tình vượt ẩu gây bức xúc. Các chuyên gia đánh giá, vượt xe không đúng quy định là một trong những trường hợp có nguy cơ xảy ra tai nạn cao nhất, làm tổn hại nặng nề cả về người và của.

(Chiếc xe tải vượt ngay tại khúc cua, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi đã khiến xe máy ngược chiều suýt "nằm gầm". Nguồn video: OFFB)

Nguyên tắc vượt xe trên đường

Về nguyên tắc, khi vượt xe, các phương tiện đều phải vượt về bên trái (chỉ một số trường hợp mới được vượt về bên phải quy định tại khoản 4, điều 14 Luật Giao thông đường bộ là: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; khi xe điện đang chạy giữa đường; khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được). Đồng thời phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.

- Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

- Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.

Trong một số trường hợp, lái xe vẫn có thể được phép vượt phải mà không sợ bị phạt. (Ảnh minh hoạ)

Các trường hợp không được vượt xe

Theo khoản 5, Điều 14 Luật Giao thông đường bộ, không được vượt xe khi ở trong một trong các trường hợp sau đây:

- Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này gồm 3 trường hợp: Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước; không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt; xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

- Trên cầu hẹp có một làn xe;

- Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế;

- Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt;

- Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt;

- Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

(Xe tải lật nghiêng khi 'đối đầu' với một chiếc xe khách vượt ẩu tại đoạn đường quanh co. Nguồn video: HLX)

Như vậy, có 8 trường hợp không được vượt xe khác dù trên đường không có biển cấm vượt. Nếu vi phạm, tuỳ vào loại phương tiện và trường hợp vi phạm, người điều khiển có thể bị xử phạt nặng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, cụ thể:

- Đối với ô tô:

TT Hành vi vi phạm Mức phạt
01 Vượt xe trong hầm đường bộ không đúng quy định. 02-03 triệu đồng + Tước Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng
02 Vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt (đối với loại phương tiện đang điều khiển); không có báo hiệu trước khi vượt; vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép. 04 - 06 triệu đồng + Tước Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng
03 Vượt xe không đúng quy định gây tai nạn. 10 - 12 triệu đồng + Tước Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng

- Đối với xe máy:

TT Hành vi vi phạm  Mức phạt
01 Không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt. 100.000 - 200.000 đồng
02 Vượt bên phải trong trường hợp không được phép. 400.000 - 600.000 đồng
03

Vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt đối với loại phương tiện đang điều khiển; Vượt xe trong hầm đường bộ không đúng quy định.

800.000 - 01 triệu đồng
04

Vượt xe không đúng quy định gây tai nạn

04 - 05 triệu đồng + Tước Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mời bạn đọc gửi bài cộng tác về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!