Bằng phong cách trưng bày khoa học và đổi mới, kết hợp nhiều phương tiện nghe nhìn, bảo tàng Tố Hữu cố gắng cung cấp cho người xem hiểu về nhà thơ một cách đầy đủ và đa chiều với các tư liệu bối cảnh quốc tế, đất nước trong gần một thế kỷ nhiều biến động. Bảo tàng Tố Hữu gồm hai hợp phần. Phần trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp của nhà thơ Tố Hữu thông qua 9 tập thơ gắn liền với những giai đoạn lịch sử cách mạng của đất nước và hoạt động chính trị của ông.
Tượng nhà thơ trong khuôn viên của Bảo tàng Tố Hữu. |
Với các tư liệu gốc, hình ảnh, hiện vật kết hợp với hệ thống tin đa phương tiện, phần trưng bày này kể nhiều câu chuyện: Ông đến với thơ ca như thế nào; Vì sao thơ ca của ông gắn chặt với con đường đấu tranh cách mạng, gắn chặt từng dấu mốc lịch sử của dân tộc; Vì sao những vần thơ của ông đã từng là nguồn động lực vô bờ bến với chiến sĩ, nhân dân Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ; Thơ cũng là tiếng lòng của nhà thơ. Mỗi bài thơ của ông đều là những đứa con tinh thần, là máu thịt của ông. Cho đến tận cuối đời, ông vẫn là "Con tằm rút ruột vẫn còn tơ…".
Hợp phần 2 là không gian tái tạo lại một phần căn nhà 76 Phan Đình Phùng, nơi ông và gia đình đã sống suốt hơn 40 năm từ 1960-2002, khi ông rời cõi tạm. Phòng khách nơi ông tiếp đón bạn bè, đồng nghiệp, các vị lãnh đạo, các văn nghệ sĩ, những người yêu ông và yêu thơ ông. Và căn phòng làm việc của ông vào thời điểm ngày cuối cùng của cuộc đời, với chiếc bàn tròn ông vẫn ngồi uống trà làm thơ và bàn làm việc với trang thơ dịch cuối cùng còn bỏ ngỏ.
Bảo tàng hoàn thành với sự giúp đỡ của nhóm chuẩn bị nội dung trong đó có PGS.TS Nguyễn Văn Huy.
Bảo tàng sẽ khai trương vào sáng chủ Nhật 11/10/2020 và sau đó mở cửa thứ Bẩy hàng tuần.
Tình Lê
Diện mạo làng nghề, phố nghề Hà Nội trăm năm trước
Triển lãm 'Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội' với hơn 130 tài liệu được trưng bày giới thiệu về các làng nghề, phố nghề giai đoạn thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.