NHỮNG TUYÊN TRUYỀN VIÊN TỰ VÍ MÌNH NHƯ THẦY MÕ

Vượt đường đèo núi đến những bản làng xa xôi không điện, không internet để làm công tác tuyên truyền, vận động... là công việc của hai cán bộ văn hóa Nguyễn Văn Tuân và Tôn Đức Quỳnh gần 20 năm nay ở cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang).

  • Chiều nay mấy giờ anh em vào bản nhỉ, Quỳnh ơi?
  • - Em sợ tối nhanh, trong Xùa Lủng không có điện đâu, thu xếp đi sớm khoảng 16h anh ạ.

Cuộc gọi của Nguyễn Văn Tuân và Tôn Đức Quỳnh nhanh chóng kết thúc. 16h kém, hai anh có mặt tại Bảo tàng Không gian văn hóa các dân tộc huyện Đồng Văn (Hà Giang) chuẩn bị "đồ nghề" cho ca làm việc buổi tối. Căn phòng nhỏ im lìm góc bảo tàng không có nhiều đồ đạc là nơi làm việc của hai tuyên truyền viên. Phía góc phải đặt máy phát điện, góc trái là chiếc tủ nhôm di động đựng máy chiếu và loa. Chằng chéo vật dụng lên xe máy, các anh nhanh chóng lên đường.

Những vạt nắng cuối ngày đổ xiên theo dáng núi. Mặt trời dần khuất khi đồng hồ chỉ mới điểm 17h. Làm công việc này đến nay đã hơn chục năm, những con đường ngoằn ngoèo ôm mình tựa núi trở thành quen thuộc với anh Tuân, anh Quỳnh. 

Năm 2007, Tôn Đức Quỳnh nhận công việc tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Hà Giang rồi được phân bổ về huyện Đồng Văn thường trú, đảm nhận công việc chiếu bóng. Từ đó đến nay, anh gắn liền với chiếc loa phát thanh, tấm màn chiếu và những bản làng nghèo khó nơi rẻo cao. Đều đặn hàng tháng, anh Quỳnh và anh Tuân chạy xe máy vào các bản làng xa xôi, nơi không có điện hoặc internet để chiếu phim. Nội dung phim, ảnh, video là những hoạt động bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số hoặc tuyên truyền về xóa bỏ hủ tục, khuyến khích bà con phát triển kinh tế tại vùng cao, biên giới.

Chốc chốc đoàn phải dừng lại khi đi qua đoạn đá lở hay vật cản. Giữ chắc tay ga, chân đạp số, những cung đường xẻ núi chẳng còn lạ gì với đội chiếu bóng nhưng cả hai vẫn phải tập trung cao độ bởi đường nhỏ một bên là núi cao, một bên là vực thẳm.

Gió ù ù qua tai, chiếc áo khoác được Tuân kéo khóa kín cổ bởi mùa này sương lạnh. Với các anh, chỉ cần có đường là đi. Dừng lại ven lối nhỏ, nam tuyên truyền viên rút điện thoại ra kiểm tra vị trí nhưng không có mạng, mất sóng. Bằng một giọng H'Mong đặc trưng, anh dò đường từ phía người dân bản. Anh Quỳnh gốc là người Hoa, anh Tuân là người Tày. Trước đó, cả hai tự học thêm tiếng H'Mong.

"Bà con sinh sống ở Hà Giang chủ yếu là người H'Mong, ở nhiều bản người dân không nói tiếng phổ thông nên mình phải bổ túc để tiện giao tiếp. Tuyên truyền viên mà, phải hiểu ý bà con như nào mới làm việc được chứ", anh Tuân cười nói.

Chừng 17h15, các anh đến điểm chiếu bóng. Lúc này mặt trời đã khuất, để lại những chỏm núi trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt, bóng tối dần bao phủ.

Điểm chiếu bóng nằm ở bản Xùa Lủng (xã Tả Phìn) cách trung tâm huyện Đồng Văn chừng 20km, toàn bộ là đường đèo núi. Con đường nhỏ chừng nửa mét ở giữa có một khoảng bê tông rộng 30cm ngoằn ngoèo như sợi chỉ vắt qua những sườn núi cheo leo. Là một bản nghèo và xa xôi, Xùa Lủng chưa có điện. Mỗi ngày, khi mặt trời xuống núi, màn đêm phủ lên những mái nhà nhỏ của người H'Mong tạo một cảm giác rất khác lạ.

Nhà xa nhà, chỉ còn những ánh lửa le lói trong khung cảnh mịt mùng vô tận. Không có điện, những sinh hoạt đời thường được người dân thực hiện trong bóng tối, trong ánh nến... thậm chí nguồn sáng chỉ nhờ một chiếc đèn pin nhỏ.

Dân Xùa Lủng cũng ít người thạo tiếng phổ thông, cuộc sống nơi rẻo cao sớm làm nương rẫy, tối tối trở về nhà nên hiếm khi thấy họ ra khỏi thôn bản.

Nghe thấy tiếng đoàn chiếu phim, ông Lử cài then cửa, lững thững bước trong không gian nhá nhem tối để ra sân chiếu bóng. Các con đi làm vắng nhà, những buổi chiếu phim là niềm vui nho nhỏ của người đàn ông lớn tuổi này.

Trong cái khoảng tĩnh mịch tranh tối tranh sáng, khi tiếng côn trùng chưa ầm ĩ, chỉ có tiếng lạo xạo bước chân của ông Lử trên con đường mòn trước nhà. Phóng viên hỏi thật chậm: “Ông ăn tối chưa". Người đàn ông lắng tai nghe một hồi mới khẽ đáp bằng chất giọng miền núi: “Tôi chưa".

Anh Tuân dựng gọn xe máy, bê chiếc máy phát điện cồng kềnh xuống. Người tuyên truyền viên với dáng vóc to khỏe dường như đã quá thạo việc. Anh đi đến đống củi dựng cạnh một ngôi nhà đất, chọn lấy một thân gỗ đủ cao để căng màn chiếu.

Anh Tuân kể lại, hồi mới tiếp nhận công việc, điện-đường-trường-trạm còn chưa phát triển, thôn bản nào cũng cần tuyên truyền. Mỗi tháng, 2 người đảm nhận 10 - 15 điểm chiếu bóng. Đến nay, số lượng lịch chiếu không có gì thay đổi, chỉ là những bản ở gần trung tâm đã đồng bộ về điện, internet, điểm dừng chân của các anh vì thế cũng xa xôi hơn.

"Đi gần thì 20km, xa hơn thì 60km cũng có, mà đường đèo núi đâu phải cứ muốn là đi nhanh được. Có nơi chưa có đường bê tông, chúng tôi men theo lối mòn hoặc những con đường gồ ghề sỏi đá. Chỗ lại không có điện, đến sóng điện thoại cũng chưa phủ tới, bà con ít tiếp cận với thông tin nên việc tuyên truyền rất cần thiết", anh Tuân nói.

Tận dụng chút thời gian ít ỏi lúc chập choạng tối, anh Tuân, anh Quỳnh mỗi người một việc, lắp đặt máy chiếu, phát phát điện. Chiếc loa được đặt ngay ngắn trên thùng nhôm, kết nối với điện thoại đã lưu sẵn những thước phim.

Những tập phim ngắn, video ca nhạc được Trung tâm Văn hóa Điện ảnh Hà Giang phục dựng hoặc lên kịch bản với nội dung xóa bỏ các hủ tục như ma ướt, tảo hôn, đồng thời khuyến khích bà con chăn nuôi sản xuất, cho con đến trường đi học đầy đủ... Rất nhiều video ca nhạc với nội dung ơn Đảng, Nhà nước được thể hiện bằng giai điệu truyền thống và tiếng dân tộc H'Mong. Tất cả nhằm hướng đến việc thông tin truyền thông một cách rộng rãi, tiệm cận nhất có thể đến với đồng bào nơi vùng xa còn nhiều khó khăn, hạn chế trong đời sống và nhận thức.

19h, buổi chiếu bóng bắt đầu. Phần lớn người dân trong bản Xùa Lủng đều có mặt trong khoảng sân nhỏ để theo dõi. Chiếc màn chiếu với các thước phim ngắn không xa lạ gì với người miền xuôi hoặc những nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Thế nhưng ở Xùa Lủng, từ người lớn đến trẻ em đều chăm chú, háo hức nhìn về phía ánh sáng. 

Lúc này, trời sao trên đầu lấp lánh rực rỡ. Từng cơn gió lạnh của vùng cao nguyên đá tràn xuống. Anh Tuân xoa đôi bàn tay rồi co ro ngồi ở góc hiên nhà. Quá quen với những thước phim một tuần chiếu vài lượt, nam tuyên truyền viên không nhìn về phía màn hình đang sáng. Thay vào đó, anh hướng mắt về phía các khán giả đang chăm chú dưới kia. Thỉnh thoảng Tuân rời vị trí để điều chỉnh hệ thống âm thanh hoặc đổi sang video khác.

Anh Tuân kể, giờ tháng 11, mới chớm lạnh, buổi tối còn được 14 - 15 độ C, chưa ăn nhằm gì khi thời tiết vào chính đông. "Có những hôm chúng tôi đi làm, nhiệt độ buổi đêm chỉ còn 3-4 độ C, rét căm căm nhưng bà con vẫn thích thú lắm, họ ngồi xem không rời mắt. Nhiều khi chiếu hết thời lượng một buổi rồi, chúng tôi lại chiếu vài tập nữa theo yêu cầu. Lân la ngồi đấy rồi thêm 1 tiếng đồng hồ thu dọn đồ đạc, có khi 23h đêm hai anh em mới lóc cóc đi về", anh cười rồi kể lại.

Đi làm từ lúc 16h chiều, nửa đêm mới về đến thị trấn Đồng Văn, đó mới là lúc hai tuyên truyền viên có thời gian ăn tối. Anh Quỳnh nói bao năm qua đều vậy nên anh quen. Hoặc thỉnh thoảng bà con lại dúi cho củ khoai, khúc sắn cũng ấm bụng.

Anh Quỳnh theo nghề được 16 năm, anh Tuân 12 năm. Từng ấy khoảng thời gian các anh đi hết bản này, thôn nọ. Ngoài chiếu bóng, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, mỗi anh khoác trên xe một chiếc loa, rong ruổi khắp thôn xóm bật loa tuyên truyền, nhắc nhở bà con phòng chống dịch bệnh. Có những ngày đi gần chục tiếng đồng hồ, cứ chạy xe tới ngã ba xóm nào đông đúc là dừng ở đó, mở loa lên cho bà con nghe thấy. Anh Quỳnh kể lại rồi bật cười, ví mình như một ông thầy mõ thời xưa đi rao tin khắp chốn.

Khi được phóng viên hỏi lý do gì các anh theo nghề lâu được đến như vậy, anh Quỳnh cười hiền rồi đáp: "Tôi chẳng biết diễn tả làm sao, đấy là khi nhìn bà con ngồi chăm chú xem những thước phim do chúng tôi chiếu, co ro trong bộ quần áo chẳng đủ ấm nhưng vẫn theo dõi đến cuối buổi... Chỉ mấy khoảnh khắc đó thôi làm tôi cứ bám nghề, bám bản mãi chưa rời".

21h30, thời lượng chiếu bóng hôm nay kết thúc. Trời về đêm sương lạnh, bà con cũng về nghỉ ngơi. Một vài người vẫy tay tạm biệt đội tuyên truyền viên trước khi rời khỏi. Lịch kịch thu dọn đồ nghề, tắt chiếc máy phát điện, bóng tối đổ ụp xuống khoảng sân nhỏ. Tiếng côn trùng râm ran nghe rõ bên tai trong đêm tĩnh mịch. 

"Về thôi", anh Tuân nói. 

Anh Quỳnh, anh Tuân lên xe. Vẫn cung đường bé như sợi chỉ vắt ngang lưng núi hồi chiều nhưng giờ vạn vật xung quanh đã chìm nghỉm vào bóng tối. Trăng lên, sáng vằng vặc. Hai chiếc xe nổ máy và rời đi, tiếng động cơ xa dần khỏi Xùa Lủng, kết thúc một ngày làm việc của những tuyên truyền viên thầm lặng vùng cao nguyên đá.

Lê Thúy, Mỹ Hoà và nhóm BTV