“Chuyện phố” - Phạm Quang Long
PGS, TS Phạm Quang Long nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN), nguyên Phó Giám đốc ĐHQG HN, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội. Ông được nhiều thế hệ học trò mến mộ qua các bài giảng lý luận văn học sắc sảo.
Trước đây, độc giả biết đến một nhà văn Phạm Quang Long đầy trăn trở với những vấn đề của thế sự, đất nước trong những chuyển động và thay đổi với những câu chuyện của làng quê từ quá khứ đến hiện tại qua các tác phẩm như: Lạc giữa cõi người (tiểu thuyết, 2016), Bạn bè một thuở (tiểu thuyết, 2017), Cuộc cờ (tiểu thuyết, 2018), Chuyện làng (tiểu thuyết, 2020), Mùa rươi (tiểu thuyết, 2020)...
Giờ đây, ông lại dẫn dắt người đọc xâm nhập đời sống đô thị qua không gian phố cổ với tác phẩm Chuyện phố (NXB Phụ nữ Việt Nam - 2024).
Cuốn sách của nhà văn Phạm Quang Long được nhiều nhà phê bình đánh giá là “tác phẩm đáng đọc” với thế giới nhân vật phong phú và độc đáo cùng góc nhìn nhân văn sâu sắc. Là một tiểu thuyết thế sự, phản ánh câu chuyện nóng hổi của thời cuộc, nhưng Chuyện phố lại mang màu sắc lịch sử, phảng phất “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo” trong những ngôi nhà phố cổ hay nét tính cách nhân vật gốc Tràng An được điểm xuyết.
“Đồng vọng” - Trịnh Thu Tuyết
Tựa là những trang sách cuộc đời nên Đồng vọng (NXB Hội Nhà văn) không phải tiểu luận, phê bình hay tạp văn, cũng không dành riêng cho nhà trường. Cuốn sách hàm chứa tiêu đề của thể loại - những đồng vọng tri thức, tâm hồn và khát khao...
Một cuốn sách dày dặn được sắp xếp theo một hệ thống khoa học với ba phần:
Phần I - Những vần thơ và những tiếng lòng gồm 20 bài tiểu luận, lý luận phê bình từ hiện đại đến hậu hiện đại, mang đến những trang viết tinh tế về sáng tác của các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Quang Thiều, Văn Công Hùng, Nguyễn Long, Nguyễn Văn Song, Nguyễn Hàn Chung…
Phần II gồm các bài viết về tác phẩm văn xuôi với tiêu đề Bức tranh của đời, chân dung của người.
Phần III - Những tản man suy tư - là những bài viết về hành trình tìm kiếm bản ngã, khám phá nỗi niềm trong cõi nhân sinh và thấu hiểu cuộc sống bằng luận giải tinh tế, đầy trắc ẩn.
“Tôi hạnh phúc khi đọc một cuốn sách hay, nghe một ca từ đẹp, biết ơn cuộc đời khi mỗi ngày được thức dậy cùng bình minh… Cuốn sách đưa bạn đọc tiếp cận đến một thế giới mở trên con đường nghệ thuật, tránh được những lối mòn, đưa ra được những lát cắt sắc sảo bằng nhận định cấp tiến. Một khía cạnh khác rất quan trọng, đó là sự truyền tải hết sức tinh tế các tác phẩm văn học hiện đại, khám phá đa dạng khái niệm của cái đẹp trong thơ” - tác giả trải lòng.
“Ký sự đồng quê” - Trương Văn Ánh
Ký sự đồng quê (NXB Phụ nữ Việt Nam) là bút ký đầu tiên bằng tiếng Việt của tác giả Trương Văn Ánh, người có nhiều năm giảng dạy và thường xuyên sử dụng tiếng Anh để viết sách, giáo trình về ngôn ngữ này.
Sinh ra và lớn lên ở Gò Công (Tiền Giang), dù bị liệt một chân từ nhỏ, Ánh không mặc cảm mà vẫn cùng bạn bè phiêu lưu trên đồng ruộng, sông biển, mò cua bắt ốc, hái rau quả… Ánh đã sống trọn vẹn với đồng ruộng, với đất đai và những cơn mưa còn in dấu mãi trong tâm khảm, để rồi hôm nay khi bồi hồi nhớ lại những vệt ký ức đó, cậu đã viết nên Ký sự đồng quê mộc mạc mà gần gũi.
Tác phẩm mang đến nguồn vui sống cho người đọc, là món quà để thế hệ mai sau nâng niu và giữ gìn những món ăn dân dã, tập tục giản dị của đồng quê. Cuốn sách không chỉ đưa người đọc trở về quá khứ mà còn tượng trưng cho hy vọng về một tương lai, nơi con người trân quý thiên nhiên và vạn vật.
“Chuồng cọp trên cao” - Nguyễn Thu Hằng
Đây là tác phẩm thứ chín của nhà văn Nguyễn Thu Hằng (sinh năm 1976, hiện là giáo viên và là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương). Trước đó, chị từng viết: Cánh thư bay (2014); Thì thầm cùng giọt sương, Bám biển (2017); Mật thư trên ngọn đa, Đảo thức (2018); Cánh đồng xa xăm (2019), Mưa ngâu (2020) và Mùa hoa lưng chừng gió (2021).
Tác phẩm được trao Giải Ba, cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VI với những câu chuyện đẹp trong bối cảnh làng quê châu thổ Bắc Bộ với bãi sông, nghề nuôi trâu, khảm trai... Trong Chuồng cọp trên cao (NXB Trẻ) phảng phất hình ảnh của tuổi trẻ những thế hệ trước, những mối tình lãng mạn và thơ ngây, không có mạng xã hội, không có ngôn từ hiện đại.
Tác phẩm đạt Giải Ba trong cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VI, với những câu chuyện đẹp về làng quê châu thổ Bắc Bộ, như bãi sông, nghề nuôi trâu, khảm trai... Chuồng cọp trên cao (NXB Trẻ) phảng phất hình ảnh của tuổi trẻ thời xưa những thế hệ trước, những mối tình lãng mạn và thơ ngây, không có mạng xã hội hay ngôn từ hiện đại.
Nhà văn chia sẻ: "Dạy học là ước mơ của tôi khi còn nhỏ. Giờ được sống giữa bầy trò nhỏ, tôi thấy tâm hồn mình vẫn còn trẻ, vẫn mơ mộng trong trẻo như chưa hề già. Khi viết về tình yêu, tôi nghĩ, có thể lúc lớn lên, học trò của tôi sẽ tìm đọc để xem tôi viết về tình yêu như thế nào, giống như bây giờ viết truyện thiếu nhi cho các em. Vì thế, Chuồng cọp trên cao đầy thơ mộng, giàu hình ảnh và chi tiết hình tượng".
"Khám phá trẻ thơ" - Maria Montessori
Maria Montessori (1870–1952) là nhà giáo dục, bác sĩ và nhà nhân chủng học, nổi bật với tư duy tiên phong về giáo dục trẻ em. Từ những năm đầu thế kỷ 20, bà nghiên cứu cách trẻ học tập và phát triển trong các môi trường khác nhau, từ đó xây dựng phương pháp giáo dục Montessori, hiện nay được áp dụng rộng rãi trên thế giới.
Montessori tin rằng mỗi đứa trẻ có tiềm năng vô hạn và nhiệm vụ của người lớn là tạo ra môi trường hỗ trợ để trẻ tự do khám phá và phát triển. Bà nhấn mạnh việc tôn trọng sự độc lập, khơi gợi tò mò và nuôi dưỡng đam mê học hỏi tự nhiên ở trẻ. Những tư tưởng này được trình bày trong cuốn Khám phá trẻ thơ (NXB Tri thức).
Ảnh: Tư liệu