Chinh phục nóc nhà Đông Dương, chạm tay vào 4 cực của Tổ quốc hay ngắm những bãi biển đẹp ngất ngây... là những trải nghiệm giúp cuộc sống của bạn thêm tươi vui và ý nghĩa hơn.
Chinh phục những ngọn núi cao nhất Việt Nam
Leo núi là một trải nghiệm khá khó bởi bạn không chỉ cần nhiều kinh nghiệm mà còn phải có thể lực tốt và kiên trì. Vì vậy để chinh phục những đỉnh núi cao nhất Việt Nam, điều đầu tiên bạn phải có là rèn luyện một sức khỏe thật tốt và chuẩn bị đầy đủ trước khi lên đường.
Trong những ngọn núi cao ở Việt Nam thì Fansipan là ngọn núi cao nhất, được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương với độ cao 3.143m. Đây là một trong những ngọn núi ẩn chứa trong mình vẻ đẹp mê đắm khiến ai là người thích xê dịch đều muốn đặt chân đến một lần trong đời.
Qua những khó khăn vất vả, mọi cảm xúc như đều vỡ òa bởi khung cảnh hùng vĩ và đẹp tuyệt vời với những áng mây trắng bồng bềnh tựa chốn thiên đường.
Bạch Mộc Lương Tử
Ngoài ra còn có Pu Ta Leng (nằm trong xã Tà Lẻng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cao 3.096m, Pusilung (được mệnh danh là nóc nhà của vùng biên giới Việt – Trung, thuộc xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) cao 3.083m hay thiên đường săn mây Bạch Mộc Lương Tử (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu và xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) cao 3.046m đều là những ngọn núi cao ở Việt Nam vô cùng hấp dẫn chờ bạn chinh phục.
Chạm tay vào 4 cực Tổ quốc
Một trong những trải nghiệm đáng để thử năm 2016 dành cho bạn là chạm tay vào 4 cực của Tổ quốc. Với cộng đồng phượt thủ, những cung đường đến 4 cực của Tổ quốc luôn nằm trong 'list – phải – đi”. 4 điểm cực Đông – Tây – Nam – Bắc luôn có nét đẹp và sức quyến rũ riêng.
Mũi Đôi – điểm cực Đông trên phần đất liền Việt Nam nằm tại bán đảo Hòn Gốm, vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Đây cũng là nơi đón ánh nắng mặt trời đầu tiên trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Điểm cực Tây ở cửa khẩu A Pa Chải – là cực khó chinh phục nhất. Mốc cực Tây là cột mốc biên giới hình tam giác, có 3 mặt ghi bằng tiếng Việt – Lào – Trung. Quãng đường đến cực Tây khá khó khăn, thế nhưng cột mốc huyền thoại này được nhiều người ưa khám phá và chinh phục.
Cực Nam của Tổ quốc nằm ở mũi Cà Mau, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Bên trái mũi là biển Đông, bên phải là biển Tây (vịnh Thái Lan).
Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú – điểm cực Bắc trên phần đất liền Việt Nam nằm trên đỉnh núi Rồng, miền núi cao Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Tới đây bạn sẽ cảm thấy vô cùng tự hào với cảnh sắc thiên nhiên rừng xanh, mây trắng, cờ Tổ quốc bay phấp phới.
Ngắm những bãi biển đẹp tuyệt vời trên dải đất hình chữ S
Du lịch biển ở Việt Nam luôn là một trong những trải nghiệm hấp dẫn nhất bởi nước ta có những bãi biển đẹp không hề thua kém những địa danh nổi tiếng trên thế giới.
Bãi biển đầu tiên bạn nên đến là Mỹ Khê nơi được tạp chí Forbes nổi tiếng của Mỹ bình chọn là 1 trong 6 bãi biển đẹp nhất, quyến rũ nhất hành tinh. Ngoài ra, những bãi biển đẹp nổi tiếng phải kể đến ở Đà Nẵng như bãi Non Nước, bán đảo Sơn Trà, Bắc Mỹ An, Thanh Bình, Nam Ô… đều khiến du khách mê lòng với làn nước trong vắt.
Bãi biển Mũi Né |
Bãi biển Nha Trang |
Những bãi biển đẹp ở Khánh Hòa cũng là điểm đến tuyệt vời cho bạn dù mùa đông hay mùa hè. Biển ở Nha Trang với cảnh sắc lộng lẫy được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới.
Nhắc đến những bãi biển đẹp ở Việt Nam, không thể không nhắc đến biển Mũi Né ở Bình Thuận với vô vàn bãi tắm đẹp, bờ cát trải dài, nước trong xanh. Đến đây bạn cũng có thể đến đảo Phú Quý có khung cảnh đẹp hoang sơ, gần như chưa có sự xuất hiện của các dịch vụ du lịch.
Một thành phố nổi tiếng về du lịch biển khác là Vũng Tàu. Nhiệt độ tại đây khá mát mẻ, phù hợp với du lịch nghỉ dưỡng. Nhờ vị trí đặc biệt - là dải đất dường như nhô hẳn ra biển nên khi đến đây bạn có thể ngắm được cảnh bình minh và hoàng hôn đẹp mơ màng.
Tuổi trẻ là những chuyến đi đến những miền đất mới. Ngoài công việc, học hành, hãy dành thêm cho bản thân những khoảng thời gian vô cùng thú vị và ý nghĩa khi trên những miền đất tươi đẹp của Tổ quốc bạn nhé!
(Theo Báo Đất Việt)